Cơ quan nào có thẩm quyền quy định thời hạn nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa? Mức thu tiền quy định như thế nào?

Chuyên viên pháp lý Trương Thị Ngọc Duyên
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Về đất trồng lúa thì cơ quan nào có thẩm quyền quy định thời hạn nộp tiền bảo vệ, phát triển? Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Cơ quan nào có thẩm quyền quy định thời hạn nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa?

    Căn cứ theo khoản 6 Điều 2 Thông tư 18/2016/TT-BTC quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thời hạn nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện.

    Có phải nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp không?

    Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 35/2015/NĐ-CP về chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp như sau:

    Chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp
    1. Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
    2. Tùy theo điều kiện cụ thể tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức nộp cụ thể nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp nhân với giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất.
    3. Người được nhà nước giao đất, cho thuê đất lập bản kê khai số tiền phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được nhà nước giao, cho thuê và nộp vào ngân sách cấp tỉnh theo quy định.

    Như vậy, khi có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp một khoản tiền. Khoản tiền này được quy định nhằm mục đích bảo vệ và phát triển quỹ đất trồng lúa, đảm bảo nguồn lực đất nông nghiệp không bị suy giảm và được sử dụng hiệu quả.

    Về đất trồng lúa cơ quan nào có thẩm quyền quy định thời hạn nộp tiền bảo vệ, phát triển và mức thu tiền quy định như thế nào? (Hình từ internet)

    Mức tiền cần nộp để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất là bao nhiêu?

    Căn cứ khoản 3 Điều 2 Thông tư 18/2016/TT-BTC quy định về mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, cụ thể như sau:

    Thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa
    1. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để bảo vệ phát triển đất trồng lúa.
    2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp có nghị quyết về thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại địa phương, trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa tại địa phương theo từng địa bàn theo công thức tính quy định tại Khoản 3 Điều này.
    3. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa
    Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = tỷ lệ phần trăm (%) (x) diện tích (x) giá của loại đất trồng lúa.
    Trong đó:
    a) Tỷ lệ phần trăm (%) xác định số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn của địa phương, nhưng không thấp hơn 50%;
    b) Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền;
    c) Giá của loại đất trồng lúa tính theo Bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
    4. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm kê khai số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao, cho thuê.
    5. Cơ quan tài chính căn cứ bản kê khai của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, xác định và tổ chức thu khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nộp vào ngân sách cấp tỉnh, hạch toán mục lục ngân sách mục thu khác, tiểu mục 4914.
    6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thời hạn nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện.

    Theo đó, mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa = tỷ lệ phần trăm (%) (x) diện tích (x) giá của loại đất trồng lúa.

    Như vậy, mức tiền cần phải nộp để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa sẽ được căn cứ dựa trên giá của loại đất trồng lúa tính theo bảng giá đất, diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp và tỷ lệ % số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành (tối thiểu 50%). Do đó, mức tiền cần phải nộp  để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất không có con số cố định.

    27
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ