Có được trồng cây ăn quả lâu năm trên đất trồng lúa?

Người dân muốn trồng cây ăn quả lâu năm trên đất trồng lúa thì có được không? Phải xin phép ai?

Nội dung chính

    Có được trồng cây ăn quả lâu năm trên đất trồng lúa?

    Căn cứ theo điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất trồng lúa nước và đất trồng cây ăn quả lâu năm đều thuộc nhóm đất nông nghiệp.

    Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 121 Luật Đất đai 2024 thì trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

    Cụ thể, theo Điều 123 Luật Đất đai 2024 thì UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức trong nước và UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cá nhân.

    Do đó, để trồng cây ăn quả lâu năm trên đất trồng lúa thì cá nhân sử dụng đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất trồng cây ăn quả lâu năm và phải được UBND cấp huyện cho phép.

    Có được trồng cây ăn quả lâu năm trên đất trồng lúa?

    Có được trồng cây ăn quả lâu năm trên đất trồng lúa?(Hình Internet)

    Thời hạn sử dụng đất đối với cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất trồng cây ăn quả lâu năm được tính từ lúc nào?

    Căn cứ khoản 1 Điều 123 Luật Đất đai 2024 thì thời hạn sử dụng đất đối với cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:

    (i) Trường hợp chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang loại đất khác thì thời hạn được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

    (ii) Trường hợp chuyển đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ thì thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài;

    (iii) Trường hợp chuyển mục đích sử dụng giữa các loại đất nông nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại mục (i), (ii) thì cá nhân sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó theo thời hạn đã được giao, cho thuê;

    (iv) Trường hợp chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

    Như vậy, đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất trồng cây ăn quả lâu năm thì cá nhân sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó theo thời hạn đã được giao, cho thuê.

    Tự ý trồng cây ăn quả lâu năm trên đất trồng lúa bị xử phạt thế nào?

    Trường hợp tự ý trồng cây ăn quả lâu năm trên đất trồng lúa, người sử dụng đất có thể bị xử phạt hành chính về hành vi sử dụng đất trồng lúa không đúng mục đích. Cụ thể, căn cứ Điều 8 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định hình thức và mức xử phạt đối với hành vi sử dụng đất trồng lúa sang đất trồng cây ăn quả lâu năm mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép:

    - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,5 héc ta;

    - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 03 héc ta trở lên.

    Ngoài bị phạt tiền thì người sử dụng đất buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật Đất đai 2024 và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (khoản 5 Điều 8 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).

    Lưu ý: Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).

    13