Cơ chế quản lý, sử dụng rừng của các công ty nông, lâm nghiệp được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Cơ chế quản lý, sử dụng rừng của các công ty nông, lâm nghiệp được quy định như thế nào?
Cơ chế quản lý, sử dụng rừng của các công ty nông, lâm nghiệp được quy định tại Điều 18 Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp như sau:
- Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên trữ lượng giàu và trung bình: Thực hiện quản lý và sản xuất kinh doanh theo phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
- Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhưng chưa được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững và chưa được cấp chứng chỉ rừng quốc tế về quản lý rừng bền vững, rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo có khả năng phục hồi trong thời gian chưa được khai thác: Thực hiện nhiệm vụ công ích theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch hàng năm hoặc được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của công ty.
- Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng phục hồi: Lập dự án cải tạo để trồng rừng hoặc trồng cây công nghiệp hiệu quả hơn. Dự án cải tạo rừng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở tiêu chí phân loại rừng tự nhiên nghèo kiệt được chuyển đổi sát với thực tế.
- Đối với diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng trong địa giới công ty: Được Nhà nước bảo đảm kinh phí để bảo vệ và phát triển rừng theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch hoặc được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của công ty.
- Đối với diện tích rừng sản xuất là rừng trồng trong địa giới của công ty: Thực hiện bảo vệ và phát triển rừng theo quy chế quản lý rừng sản xuất, các hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện theo cơ chế thị trường.
- Nhà nước đầu tư phát triển rừng trồng trên diện tích đất được quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Thực hiện định giá rừng sản xuất là rừng trồng làm cơ sở giao vốn, thực hiện cổ phần hóa, liên doanh, liên kết, thế chấp vay vốn.