10:17 - 20/09/2024

Có cần phải lấy ý kiến của người dân khi lập quy hoạch không? Các loại quy hoạch quốc gia có mối quan hệ như thế nào?

Lập quy hoạch có cần phải lấy ý kiến của người dân không? Thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch được pháp luật nước ta quy định như thế nào? Các loại quy hoạch quốc gia có mối quan hệ như thế nào?

Nội dung chính

    Lập quy hoạch có cần phải lấy ý kiến của người dân không?

    Hiện nay đất được nhà nước quy hoạch là rất nhiều, và một số trường hợp quy hoạch mà người dân không hề hay biết cho đến khi làm thủ tục liên quan đến đất đai mới biết. Vậy cho hỏi khi thực hiện lập quy hoạch có phải lấy ý kiến người dân không? Đối với trường hợp quy hoạch của cấp tỉnh.

    Trả lời:

    - Căn cứ Điều 19 Luật Quy hoạch 2017 quy định: Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương liên quan và cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, trừ quy hoạch ngành quốc gia thì do cơ quan tổ chức lập quy hoạch lấy ý kiến. Đối với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương liền kề.

    - Theo Khoản 5 Điều 32 Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định việc lấy ý kiến cộng đồng dân cứ đối với hoạch của tỉnh như sau:

    + Cơ quan lập quy hoạch tỉnh có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích liên quan đến quy hoạch.

    + Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thông báo việc lấy ý kiến về quy hoạch đến Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức đóng tại địa bàn.

    + Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thông tin việc lấy ý kiến về quy hoạch đến cộng đồng dân cư và cá nhân có liên quan.

    + Cộng đồng dân cư, tổ chức và cá nhân góp ý quy hoạch trực tiếp trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch hoặc gửi văn bản góp ý tới cơ quan lập quy hoạch. Trường hợp cần thiết, cơ quan lập quy hoạch có thể lấy ý kiến về quy hoạch thông qua việc niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng, tổ chức hội nghị, hội thảo, phát phiếu điều tra, phỏng vấn thông qua đại diện cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư và cá nhân.

    + Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm tổng hợp ý kiến và giải trình, tiếp thu ý kiến, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan trước khi trình thẩm định quy hoạch.

    Như vậy, căn cứ các quy định trên thì khi lập quy hoạch thì phải lấy ý kiến của công đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích liên quan đến quy hoạch.

    Có cần phải lấy ý kiến của người dân khi lập quy hoạch không? Các loại quy hoạch quốc gia có mối quan hệ như thế nào? (Hình từ internet)

    Thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch được pháp luật nước ta quy định như thế nào?

    Ban biên tập hãy giúp tôi giải đáp thắc mắc sau đây: Thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch được pháp luật nước ta quy định như thế nào? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!

    Trả lời:

    Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.

    Theo đó, tại Điều 14 Luật Quy hoạch 2017 có quy định về thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch như sau:

    - Chính phủ tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

    - Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập quy hoạch vùng.

    - Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia.

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh.

    Trên đây là nội dung giải đáp về thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch.

    Các loại quy hoạch quốc gia có mối quan hệ như thế nào?

    Tôi đang tìm hiểu về các loại quy hoạch và có thắc mắc nên muốn hỏi mọi người như sau: Các loại quy hoạch quốc gia có mối quan hệ như thế nào với nhau! Mong sớm nhận được sự phản hồi. Xin cảm ơn!

    Trả lời:

    Như chúng ta đã biết thì hệ thống quy hoạch quốc gia gồm:

    - Quy hoạch cấp quốc gia.

    Quy hoạch cấp quốc gia bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia.

    - Quy hoạch vùng.

    - Quy hoạch tỉnh.

    - Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

    Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.

    - Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

    Theo đó, tại Điều 6 Luật Quy hoạch 2017  có quy định về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch quốc gia như sau:

    - Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

    - Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

    Trường hợp quy hoạch ngành quốc gia có mâu thuẫn với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia hoặc các quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia.

    - Quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch tỉnh phải phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia.

    Trường hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch ngành quốc gia thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia.

    Trường hợp quy hoạch vùng có mâu thuẫn với nhau, quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cao hơn; trường hợp quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch vùng thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia.

    - Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

    Trên đây là nội dung trả lời về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch quốc gia.

    Trân trọng!

    320