Chứng cứ chỉ còn bản sao thì có quyền khởi kiện nữa không?

Với những bản sao đó chứng cứ thì có thể khởi kiện lại hay làm gì được không?

Nội dung chính

    Chứng cứ chỉ còn bản sao thì có quyền khởi kiện nữa không?

    Điều 70 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, trong đó có: “Cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

    Điều 91 quy định về nghĩa vụ chứng minh: “Đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”.

    Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Toà án sẽ giải thích cho đương sự biết, nếu đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ, thì Toà án tiến hành giải quyết vụ việc dân sự theo thủ tục chung. Toà án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc dân sự và nếu vụ việc dân sự được xét xử, giải quyết tại phiên toà, phiên họp, thì Toà án chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên toà, phiên họp, kết quả của việc hỏi tại phiên toà, phiên họp, xem xét đầy đủ ý kiến của người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên để quyết định. Đương sự phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ.

    Căn cứ vào những quy định trên, trong trường hợp này, nếu người cho mẹ bạn vay tiền muốn khởi kiện yêu cầu mẹ bạn phải trả số tiền đã vay thì người đó có nghĩa vụ phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Tuy nhiên, bản gốc của giấy vay nợ có chữ ký của mẹ bạn đã bị hủy bỏ, nên người đó chỉ có thể nộp những bản sao còn lại cho Tòa án nhân dân nếu có yêu cầu khởi kiện. Trong khi đó, Khoản 2, Điều 95 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể việc xác định với loại chứng cứ này: “Các tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”. Như vậy, nếu những bản sao của giấy vay nợ mà người khởi kiện nộp không có công chứng, chứng thực hợp pháp thì những bản sao đó không được coi là chứng cứ. Lúc này, Tòa án vẫn thụ lý giải quyết vụ việc nhưng chỉ giải quyết theo thủ tục chung.

    Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, kể cả trong trường hợp bản sao giấy vay nợ được nộp cho Tòa án có công chứng, chứng thực hay không, mẹ bạn vẫn có quyền trình bày trước Tòa án về việc đã trả hết khoản nợ đó, và vì nghĩa vụ trả nợ đã hoàn thành nên bản gốc giấy vay nợ mới bị hủy bỏ. Tòa án giải quyết vụ việc sẽ không chỉ căn cứ vào chứng cứ là giấy vay nợ, mà còn dựa trên lời khai của các bên, lời khai của người làm chứng, cũng như quá trình đối chất… để đưa ra được phán quyết đúng đắn và hợp lý nhất.

    9