Cách đảm bảo an toàn trong thi công cọc tại công trường xây dựng là gì?
Nội dung chính
Quy chuẩn thi công cọc trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Tại Tiết 2.12.1 Tiểu mục 2.12 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy chuẩn thi công cọc trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:
2.12.1.1 Các biện pháp phòng ngừa phải được thực hiện để ĐBAT cho người lao động, đặc biệt chú ý đến các nguy cơ do: Ngã vào các hố, lỗ trên mặt đất hoặc xuống nước; máy, thiết bị thi công cọc bị đổ; mất an toàn khi vận chuyển, nâng, hạ cọc, vận chuyển lắp đặt lồng thép, đổ bê tông cọc khoan nhồi; mất an toàn điện; mất an toàn khi làm việc trong các điều kiện thời tiết bất lợi; các PTBVCN không phù hợp.
CHÚ THÍCH 1: Các công việc có liên quan đến sử dụng thiết bị nâng và các thiết bị khác xem các quy định tại 2.4 và các mục khác có liên quan trong quy chuẩn này.
CHÚ THÍCH 2: Thi công cọc trên mặt nước xem các quy định tại 2.12.4 và 2.13.
2.12.1.2 Việc thi công cọc phải do người lao động đã được đào tạo, huấn luyện chuyên về thi công cọc thực hiện dưới sự giám sát và điều phối của người có thẩm quyền.
CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền là người quản lý thi công của nhà thầu và (hoặc) người giám sát xây dựng của chủ đầu tư (hoặc tổng thầu EPC).
2.12.1.3 Trước khi thi công cọc, phải xác định vị trí và có biện pháp bảo vệ các công trình ngầm hiện hữu (như đường cấp điện, khí, cấp thoát nước, thông tin liên lạc). Sau khi hạ cọc (hoặc đã đổ bê tông cọc khoan nhồi) các công trình ngầm này phải được hoàn trả lại, đảm bảo sử dụng bình thường và an toàn theo quy định.
2.12.1.4 Các máy, thiết bị thi công cọc phải được đặt trên nền móng vững chắc, không bị nghiêng, lún quá mức cho phép theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
CHÚ THÍCH 1: Nền móng đỡ các máy, thiết bị thi công cọc, tùy theo điều kiện thực tế, có thể sử dụng giải pháp sau: Bệ đỡ hoặc bản bằng gỗ đặc, chắc; thép tấm dày; bản bê tông cốt thép; trên thiết bị nổi ĐBAT (khi thi công đóng cọc trên mặt nước) hoặc trên nền đất đá đảm bảo chắc chắn, không bị lún (sụt).
CHÚ THÍCH 2: Bệ đỡ, nền móng cho các thiết bị thực hiện theo các quy định tại 2.3. Thiết bị nổi sử dụng cho thi công trên mặt nước xem các quy định tại 2.12.4 và 2.13.
2.12.1.5 Máy, thiết bị thi công cọc phải được bảo vệ, giám sát thường xuyên (như bố trí người giám sát, có rào chắn hoặc lưới bảo vệ).
2.12.1.6 Trường hợp máy, thiết bị thi công cọc nằm ở các vị trí gần hoặc trong vùng nguy hiểm của các đường dây tải điện, phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ĐBAT điện theo quy định của QCVN 01:2020/BCT và quy định tại 2.1.1.2.
2.12.1.7 Trường hợp có nhiều máy, thiết bị thi công cọc cùng hoạt động trong một khu vực thì phải bố trí, điều phối và kiểm soát để chúng không bị va chạm vào nhau.
2.12.1.8 Đối với máy hạ cọc:
a) Khi giá búa (hệ thanh dẫn hướng) bắt buộc phải để nghiêng thì chúng phải được lắp đặt đối trọng phù hợp và có thiết bị (cơ cấu) giữ độ nghiêng và bảo đảm chống trượt;
b) Khi sử dụng búa hơi, các ống hơi và búa hơi phải được treo (liên kết) an toàn để ngăn ngừa chúng bị văng ra khi các liên kết bị hỏng.
2.12.1.9 Đối với công việc khoan tạo lỗ cho cọc bằng phương pháp búa đập (quả nặng), búa phải được treo (liên kết) an toàn để ngăn ngừa chúng bị văng ra khi các liên kết bị hỏng.
2.12.1.10 Phải có biện pháp phù hợp để ngăn ngừa máy, thiết bị thi công cọc bị lật; đặc biệt chú ý trường hợp máy, thiết bị thi công cọc làm việc ở gần các hố, các mặt dốc.
2.12.1.11 Các biện pháp phòng ngừa phải được thực hiện để ngăn dây cáp trượt ra khỏi puli hoặc bánh xe trên đỉnh của máy, thiết bị thi công cọc.
2.12.1.12 Phải có các biện pháp chống rơi, đổ khi hạ các cọc dài, cọc ván nặng, ống giữ thành, thanh kingpost, các lồng thép dài hoặc nặng (cho cọc khoan nhồi).
2.12.1.13 Phải có các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa búa đóng chệch khỏi đầu cọc khi đóng cọc.
2.12.1.14 Khi thi công cọc, đặc biệt trong các khu vực đông dân cư, phải tuân thủ các quy định về đảm bảo vệ sinh, môi trường và sức khỏe cho người ở trong và khu vực lân cận công trường theo quy định tại 2.1.3.
2.12.1.15 Cọc thi công bằng phương pháp khoan ép phải thực hiện đầy đủ các quy định tại 2.12.
Cách đảm bảo an toàn trong thi công cọc tại công trường xây dựng là gì? (Hình từ Internet)
Quy chuẩn vận hành máy, thiết bị thi công cọc trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như thế nào?
Tại Tiết 2.12.3 Tiểu mục 2.12 Mục 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD quy chuẩn vận hành máy, thiết bị thi công cọc trong đảm bảo an toàn tại công trường xây dựng như sau:
2.12.3.1 Các công việc hạ cọc, thi công cọc khoan nhồi (hạ ống giữ thành, thanh kingpost, các lồng thép; hạ hoặc tháo ống đổ và đổ bê tông khi thi công cọc khoan nhồi) phải được quản lý, điều phối bằng các tín hiệu phù hợp.
2.12.3.2 Người lao động làm việc gần máy, thiết bị thi công cọc phải có phương tiện bảo vệ thính lực, mũ bảo hiểm hoặc mũ cứng và các PTBVCN khác phù hợp với yêu cầu của công việc và điều kiện mặt bằng thi công.
CHÚ THÍCH: Người lao động bắt buộc phải có phương tiện bảo vệ thính lực khi làm việc gần máy đóng cọc hoặc ở vị trí có mức áp suất âm từ 85 dBA trở lên theo quy định của QCVN 24:2016/BYT.
2.12.3.3 Trừ trường hợp bất khả kháng, cọc phải được bố trí sẵn tại các vị trí cách máy, thiết bị hạ cọc một khoảng cách tối thiểu bằng 02 (hai) lần chiều dài của cọc dài nhất.
2.12.3.4 Khi hạ cọc nghiêng, cọc phải được đặt trên thiết bị dẫn hướng.
2.12.3.5 Khi máy, thiết bị hạ cọc (hoặc khoan cọc) không sử dụng, búa (hoặc gầu khoan) phải được khóa tại vị trí thấp nhất (dưới cùng của giá búa hoặc cần khoan) và phải có biện pháp che chắn an toàn để tránh va chạm cho người lao động.