Các bên không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì căn cứ nào được áp dụng để giải quyết tranh chấp đất đai?
Nội dung chính
Có được bán đất đang trong quá trình tranh chấp không?
Căn cứ theo Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
d) Trong thời hạn sử dụng đất;
đ) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
...
Theo như quy định trên để thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đất phải không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, đất đang có tranh chấp không được phép bán.
Trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì căn cứ nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp đất đai?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định các căn cứ được áp dụng để giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ như sau:
Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
1. Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:
a) Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai cung cấp;
b) Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;
c) Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
d) Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng;
đ) Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
...
Theo như quy định trên thì trong trường hợp các bên tranh chấp đất đai không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, việc giải quyết tranh chấp sẽ dựa trên các căn cứ như:
- Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất.
- Diện tích thực tế mà các bên đang sử dụng.
- Sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
- Chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng,
- Các quy định pháp luật liên quan đến giao đất, cho thuê đất, và công nhận quyền sử dụng đất.
Trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất căn cứ nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp đất đai? (Hình ảnh từ Internet)
Nguyên tắc nào áp dụng khi cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ?
Theo khoản 4 Điều 108 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
...
4. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai
a) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;
b) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế thực hiện trong giờ hành chính. Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, ngày lễ theo truyền thống của đồng bào dân tộc; trong thời gian 15 ngày trước và sau thời gian nghỉ Tết âm lịch và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.
...
Theo như quy định trên thì nguyên tắc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai không có giấy tờ yêu cầu:
- Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;
- Cưỡng chế chỉ được thực hiện trong giờ hành chính và tránh các khoảng thời gian đặc biệt như ban đêm, ngày lễ, tết và các dịp nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, và phong tục địa phương.