Cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có được góp vốn để kinh doanh hạ tầng kỹ thuật?

Cụm công nghiệp là gì? Cá nhân có được góp vốn để kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khi đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp?

Nội dung chính

    Cụm công nghiệp là gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 32/2024/NĐ-CP về giải thích từ ngữ quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ

    Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Cụm công nghiệp là nơi sản xuất công nghiệp, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng chủ yếu nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.

    Cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha. Riêng đối với cụm công nghiệp ở các huyện miền núi và cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 05 ha.

    ...

    Như vậy, cụm công nghiệp là một khu vực có ranh giới địa lý rõ ràng, được thiết lập để phát triển sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ cho các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

    Đặc điểm chính của cụm công nghiệp là không có dân cư sinh sống, và nó được đầu tư xây dựng nhằm thu hút và di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào sản xuất kinh doanh.

    Cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có được góp vốn để kinh doanh hạ tầng kỹ thuật?

    Cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có được góp vốn để kinh doanh hạ tầng kỹ thuật? (Hình từ Internet)

    Cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có được góp vốn để kinh doanh hạ tầng kỹ thuật?

    Căn cứ khoản 3 Điều 22 Nghị định 32/2024/NĐ-CP về quyền của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp quy định như sau:

    Quyền của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp
    1. Được sử dụng, gia hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; cho thuê lại phần đất, nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và tài sản trên đất thuê theo quy định của pháp luật.
    2. Sử dụng có trả tiền các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng và các dịch vụ khác theo quy định.
    3. Ứng vốn hoặc góp vốn để xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật theo thoả thuận với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
    4. Được hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc tuyển dụng, đào tạo lao động phục vụ yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
    5. Được hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.
    6. Hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định này và quyền lợi khác theo quy định của pháp luật liên quan.

    Như vậy, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có các quyền nêu trên, trong đó cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được góp vốn để kinh doanh hạ tầng kỹ thuật theo thoả thuận với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

    Cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp có phải tuân thủ quy định bảo vệ môi trường không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 23 Nghị định 32/2024/NĐ-CP về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp quy định như sau:

    Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp
    1. Sử dụng đất, triển khai dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng nội dung hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích trong cụm công nghiệp và nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có); trường hợp quá thời hạn quy định phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp gia hạn theo quy định.
    2. Tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tài chính, kế toán, kiểm toán, thống kê, bảo hiểm, lao động, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, an ninh trật tự, an toàn xã hội đối với dự án đầu tư trong cụm công nghiệp; nộp các khoản tiền sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng, tiện ích khác theo thỏa thuận.
    3. Tham gia tích cực vào việc thu hút lao động, giải quyết việc làm tại địa phương, ưu tiên lao động thuộc diện chính sách, hộ gia đình bị thu hồi đất để xây dựng cụm công nghiệp.
    4. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình hoạt động của dự án đầu tư trong cụm công nghiệp gửi cơ quan thống kê trên địa bàn theo quy định của Luật Thống kê, đồng thời gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để quản lý.
    5. Thực hiện các nghĩa vụ, quy định khác của pháp luật.

    Theo đó, một trong các nghĩa vụ của cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp là tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư trong cụm công nghiệp.

    18