Cá nhân có thể thực hiện xây dựng nhà ở tại khu vực đô thị theo những phương thức nào?
Nội dung chính
Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của nhà ở tại khu vực đô thị có cần điều chỉnh giấy phép xây dựng không?
Căn cứ theo Điều 98 Luật Xây dựng 2014 quy định về điều chỉnh giấy phép xây dựng như sau:
Điều chỉnh giấy phép xây dựng
1. Trong quá trình xây dựng, trường hợp có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi một trong các nội dung dưới đây thì chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng:
a) Thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
b) Thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính;
c) Khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường.
...
Theo như quy định trên thì việc thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của nhà ở được thực hiện trong khu vực đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc, chủ đầu tư bắt buộc phải xin điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Cá nhân có thể thực hiện xây dựng nhà ở tại khu vực đô thị theo những phương thức nào? (Ảnh từ Internet)
Cá nhân có thể thực hiện xây dựng nhà ở tại khu vực đô thị theo những phương thức nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 55 Luật nhà ở 2023 quy định như sau:
Phương thức phát triển nhà ở của cá nhân
1. Cá nhân tại khu vực nông thôn thực hiện xây dựng nhà ở theo các phương thức sau đây:
a) Tự tổ chức xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác xây dựng hoặc được tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ xây dựng nhà ở;
b) Thuê đơn vị, cá nhân có năng lực về hoạt động xây dựng để xây dựng nhà ở đối với trường hợp pháp luật về xây dựng yêu cầu phải có đơn vị, cá nhân có năng lực thực hiện xây dựng;
c) Hợp tác giúp nhau xây dựng nhà ở.
2. Cá nhân tại khu vực đô thị thực hiện xây dựng nhà ở theo phương thức quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này và phương thức sau đây:
a) Hợp tác để cải tạo, chỉnh trang đô thị trong đó có nhà ở hoặc để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật này;
b) Hợp tác giúp nhau xây dựng nhà ở bằng việc góp quyền sử dụng đất, góp vốn, nhân công, vật liệu và công sức của các thành viên trong nhóm hợp tác.
Các thành viên trong nhóm hợp tác phải thỏa thuận về cách thức góp quyền sử dụng đất, góp vốn, nhân công, vật liệu, công sức, thời gian thực hiện, quyền và nghĩa vụ của các thành viên và cam kết thực hiện thỏa thuận của nhóm hợp tác.
Theo như quy định trên thì cá nhân xây dựng nhà ở tại khu vực đô thị có thể lựa chọn các phương thức như:
- Tự tổ chức hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực xây dựng;
- Hợp tác cải tạo chỉnh trang đô thị hoặc xây dựng lại nhà chung cư;
- Hợp tác góp quyền sử dụng đất, vốn, nhân công, vật liệu, công sức cùng các thành viên khác để xây dựng nhà ở.
- Các thành viên cần thỏa thuận rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, và cam kết thực hiện các thỏa thuận chung trong nhóm hợp tác.
Điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị là gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 93 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung khoản 32 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định như sau:
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ
1. Điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị gồm:
a) Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;
b) Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;
c) Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 79 của Luật này;
d) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 95, Điều 96 và Điều 97 của Luật này.
2. Đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
3. Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.
Như vậy, để được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực đô thị, cần đảm bảo các điều kiện về mục đích sử dụng đất, an toàn công trình, môi trường, phòng chống cháy nổ và các yêu cầu về kỹ thuật hạ tầng và đáp ứng đầy đủ hồ sơ xin cấp phép theo quy định của pháp luật.