Cá nhân chuyển nhượng đất rừng sản xuất cho cá nhân khác được không?

Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Cá nhân chuyển nhượng đất rừng sản xuất cho tổ chức trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh được không? Văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này?

Nội dung chính

    Đất rừng sản xuất là gì?

    Tại điểm c khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai 2024 thì đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp.

    Cụ thể,tại điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất rừng sản xuất là đất mà trên đó có rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích để phát triển rừng sản xuất.

    Hạn mức giao đất rừng sản xuất cho cá nhân

    Tại điểm a khoản 1 Điều 184 Luật Đất đai 2024 thì Nhà nước giao đất rừng sản xuất không thu tiền sử dụng đất cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thường trú trên địa bàn cấp xã nơi có đất rừng sản xuất là rừng trồng đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất Luật Đất đai 2024 cho phép; đối với phần diện tích đất rừng sản xuất là rừng trồng vượt hạn mức giao đất thì phải chuyển sang thuê đất;

    Cụ thể, Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 176 Luật Đất đai 2024, quy định hạn mức giao đất rừng sản xuất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân là không quá 30ha.

    Ngoài ra, căn cứ theo khoản 4 Điều 176 Luật Đất đai 2024 thì trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao là không quá 25ha.

    Cá nhân chuyển nhượng đất rừng sản xuất cho cá nhân khác được không? (Hình ảnh từ Internet)

    Cá nhân chuyển nhượng đất rừng sản xuất cho cá nhân khác được không? (Hình ảnh từ Internet)

    Cá nhân chuyển nhượng đất rừng sản xuất cho cá nhân khác được không?

    Tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Đất đai 2024 thì cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất theo quy định của pháp luật

    Tại khoản 3 Điều 184 Luật Đất đai 2024 thì người được Nhà nước cho thuê đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không được chuyển nhượng, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm.

    Đồng thời, tại khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 nghiêm cấm các hành vi:

    - Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

    - Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;

    - Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.

    Như vậy, trường hợp cá nhân sử dụng đất rừng sản xuất do Nhà nước giao không thu tiền  hoàn toàn có thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân khác.

    Tuy nhiên, tùy thuộc vào chính sách kinh tế - xã hội tại từng địa phương, có thể có những quy định cá biệt cụ thể yêu cầu cá nhân đó phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương mới được giao đất rừng.

    * Lưu ý: Tại điểm b khoản 3 Điều 176 Luật Đất đai 2024 thì hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30ha đối với loại đất đất rừng sản xuất là rừng trồng. Theo đó, Điều 177 Luật Đất đai 2024 thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất. . Vậy cá nhân nhận chuyển nhượng sẽ không được nhận quá 450 ha.

    370
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ