Bồi thường thế nào về hành lý bị cháy, rò rỉ hoặc đổ vỡ trên phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa?

Bồi thường thế nào về hành lý bị cháy, rò rỉ hoặc đổ vỡ trên phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa? Khi phát hiện sự cố với hành lý được ký gửi thì phải làm gì?

Nội dung chính

    Bồi thường thế nào về hành lý bị cháy, rò rỉ hoặc đổ vỡ trên phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa?

    Bồi thường hành lý bị cháy, rò rỉ hoặc đổ vỡ trên phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa được quy định tại Khoản 1 Điều 17 Thông tư 80/2014/TT-BGTVT về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa. Cụ thể là:

    Trường hợp phát hiện hành lý ký gửi có hiện tượng tự bốc cháy, rò rỉ hoặc đổ vỡ thì người kinh doanh vận tải phải thông báo và cùng hành khách có hành lý đó thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn để bảo vệ người, hàng hóa và phương tiện. Khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn, nếu phát sinh tổn thất phải lập biên bản có xác nhận của người có hành lý đó, đại diện hành khách. Các chi phí phát sinh do bên có lỗi chịu trách nhiệm. Nếu cả hai bên đều không có lỗi thì chi phí và thiệt hại phát sinh thuộc bên nào thì bên đó tự chịu trách nhiệm.

    Căn cứ quy định đã trích dẫn trên đây thì đơn vị kinh doanh vận tải hành khách nội địa khi phát hiện sự cố đối với hành lý được ký gửi thì phải thông báo cho hành khách để kịp thời xử lý, khắc phục hậu quả. Trong trường hợp, nếu có các phát sinh thiệt hại đối với hành lý ký gửi thì đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa chỉ phải bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong trường hợp lỗi phát sinh là lỗi của đơn vị đó. Trong trường hợp không bên nào có lỗi thì thiệt hại xảy ra đối với bên nào thì bên đó tự chịu trách nhiệm.

    Trong trường hợp, hành lý ký gửi bị bóc cháy, sự cố mà lỗi phát sinh là lỗi của người ký gửi thì người ký gửi phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của mình. Ngoài ra còn phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại xảy ra cho đơn vị kinh doanh vận tải, hành lý của người khác trên phương tiện vận tải do lỗi của mình gây ra.

    Đối với trường hợp mà bạn cung cấp thì nếu bạn không chấp nhận phương án giải quyết của bên đơn vị kinh doanh vận tải, hai bên không thỏa thuận được với nhau thì bạn có thể có quyền yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

    Trên đây là nội dung quy định về bồi thường hành lý bị cháy, rò rỉ hoặc đổ vỡ trên phương tiện vận tải hành khách trên đường thủy nội địa. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo quy định tại Thông tư 80/2014/TT-BGTVT.

    12