Bảo đảm việc tham gia tố tụng của người bào chữa người dưới 18 tuổi được pháp luật hiện hành quy định ra sao?

Pháp luật hiện hành quy định việc bảo đảm việc tham gia tố tụng của người bào chữa người dưới 18 tuổi như thế nào?

Nội dung chính

    Bảo đảm việc tham gia tố tụng của người bào chữa người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Bộ trưởng Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành, theo đó: 

    (1) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo cho người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi, người đại diện hoặc người thân thích của họ về việc mời người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ khi tham gia tố tụng; trường hợp những người này không mời thì tùy từng trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết như sau:

    - Chỉ định người bào chữa nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự;

    - Yêu cầu Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 của Thông tư này; yêu cầu cơ quan, tổ chức có người bị hại là thành viên cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

    (2) Người bào chữa cho người bị buộc tội dưới 18 tuổi phải tham gia trong các giai đoạn tố tụng của vụ án, trừ các trường hợp sau:

    - Người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;

    - Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa theo quy định tại khoản 7 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự;

    - Người bào chữa có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không thể bào chữa.

    (3) Trường hợp đã thay đổi người bào chữa được chỉ định mà người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn từ chối người bào chữa quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối, đưa vào hồ sơ vụ án và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.

    Trường hợp hủy bỏ việc đăng ký bào chữa quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử Bào chữa viên nhân dân khác cho người bị buộc tội.

    Trường hợp người bào chữa không thể tham gia các hoạt động tố tụng quy định tại điểm c khoản 2 Điều này, thì tùy từng trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định tại các điều 251, 291, 421, các điều luật khác có liên quan của Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc yêu cầu, đề nghị các tổ chức có liên quan cử người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc Bào chữa viên nhân dân khác cho người bị buộc tội.

    (4) Ngoài sự tham gia của người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể đề nghị Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Trung tâm trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức khác nơi tiến hành tố tụng cử người tham gia tố tụng để hỗ trợ, bảo vệ cho người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi không có gia đình, không có nơi cư trú ổn định, người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán khi có đề nghị của người bị buộc tội, người bị hại, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ hoặc khi Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xét thấy cần thiết.

    10