Chơi bài xì dách ăn tiền dịp Tết âm lịch có bị xử phạt?

Xì dách là gì? Kéo xì dách là gì? Ngũ linh là gì? Cách chơi bài xì dách? Chơi bài xì dách Tết Ất Tỵ 2025 ăn tiền có bị xử phạt hành chính?

Nội dung chính

    Xì dách là gì? Chơi bài xì dách ăn tiền dịp Tết âm lịch có bị xử phạt?

    Xì dách là gì?

    Xì dách là một trò chơi bài phổ biến tại Việt Nam, sử dụng bộ bài Tây 52 lá. Mục tiêu của trò chơi là đạt tổng điểm các lá bài trong tay càng gần hoặc bằng 21 điểm mà không vượt quá. Người chơi sẽ đối đầu trực tiếp với nhà cái.

    Kéo Xì dách là gì?

    Kéo Xì dách là thuật ngữ trong trò chơi Xì dách, dùng để chỉ hành động rút thêm bài khi người chơi cảm thấy tổng điểm bài của mình chưa đủ mạnh để thắng nhà cái.

    Mỗi lượt, người chơi có quyền kéo thêm từng lá bài từ bộ bài còn lại, nhưng cần cân nhắc vì nếu tổng điểm vượt quá 21 thì sẽ bị "quắc" (thua ngay lập tức).

    Ngũ Linh là gì?

    Ngũ Linh là một trường hợp đặc biệt trong Xì dách, xảy ra khi người chơi có 5 lá bài trên tay mà tổng điểm vẫn ≤ 21 điểm.

    Ngũ Linh được coi là một thế bài mạnh, thường thắng tất cả các bài khác, trừ trường hợp nhà cái hoặc người chơi khác cũng có Ngũ Linh với số điểm nhỏ hơn.

    Chơi bài xì dách Tết Ất Tỵ 2025 ăn tiền có bị xử phạt hành chính?

    Chơi bài xì dách Tết Ất Tỵ 2025 ăn tiền có bị xử phạt hành chính hay không thì căn cứ Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

    Hành vi đánh bạc trái phép
    1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
    2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
    b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
    c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
    ...
    6. Hình thức xử phạt bổ sung:
    a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này;
    b) Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;
    c) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
    7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này.

    Như vậy, có thể thấy đối với hành vi chơi bài xì dách trái phép trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 với mục đích ăn tiền thì có thể bị phạt hành chính với mức tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

    Ngoài mức phạt tiền nêu trên, người có hành vi chơi bài xì dách trái phép còn bị tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

    Đối với người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm thì bị trục xuất.

    Ngoài ra, người có hành vi chơi bài xì dách trái phép còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân, trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

    Xì dách là gì? Kéo xì dách là gì? Ngũ linh là gì? Cách chơi bài xì dách? Chơi bài xì dách Tết Ất Tỵ ăn tiền có bị xử phạt?

    Xì dách là gì? Kéo xì dách là gì? Ngũ linh là gì? Cách chơi bài xì dách? Chơi bài xì dách Tết Ất Tỵ ăn tiền có bị xử phạt? (Hình từ Internet)

    Chơi bài xì dách Tết Ất Tỵ 2025 trị giá bao nhiêu có thể bị phạt tù?

    Để biết hành vi chơi bài xì dách Tết Ất Tỵ 2025 trị giá bao nhiêu có thể bị phạt tù thì căn cứ quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:

    Tội đánh bạc
    1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
    a) Có tính chất chuyên nghiệp;
    b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
    c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
    d) Tái phạm nguy hiểm.
    3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Như vậy, đối với hành vi đánh bạc trái phép dưới hình thức chơi bài xì dách trong dịp Tết Âm lịch Ất Tỵ 2025 với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    Ngoài ra, nếu đánh bạc trái phép dưới hình thức chơi bài xì dách trong dịp Tết Âm lịch Ất Tỵ 2025 mà thuộc các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

    - Có tính chất chuyên nghiệp;

    - Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

    - Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

    - Tái phạm nguy hiểm.

    Ngoài các khung hình phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng quy định thế nào?

    Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), cụ thể như sau:

    (1) Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.

    (2) Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

    (3) Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản (2) nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

    Phan Thị Như Ý
    saved-content
    unsaved-content
    14973