Xử lý các khoản lỗ của hợp tác xã như thế nào?
Nội dung chính
Xử lý các khoản lỗ của hợp tác xã như thế nào?
Căn cứ Điều 89 Luật Hợp tác xã 2023 quy định xử lý các khoản lỗ của hợp tác xã như sau:
- Kết thúc năm tài chính, nếu phát sinh lỗ thì hợp tác xã thực hiện chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
- Các khoản nợ của hợp tác xã xã được xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ.
>> Xem thêm: Nợ của hợp tác xã có phải chia đều cho các thành viên?
Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản chung không chia của hợp tác xã là gì?
Căn cứ khoản 3 Điều 88 Luật Hợp tác xã 2023 quy định hợp tác xã quản lý, sử dụng tài sản chung không chia theo 04 nguyên tắc sau đây:
- Quản lý, sử dụng tài sản chung không chia của hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ hoặc theo thỏa thuận giữa cá nhân, tổ chức tặng cho, tài trợ hợp pháp và hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Hợp tác xã phải lập sổ theo dõi tài sản chung không chia theo nguồn hình thành.
- Chịu trách nhiệm bảo vệ, bảo dưỡng và bảo trì định kỳ, sửa chữa bằng chi phí của mình trong quá trình sử dụng;
- Tài sản chung không chia được phép chuyển nhượng, thanh lý sau khi được định giá khi Đại hội thành viên thông qua và phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ hoặc theo thỏa thuận giữa cá nhân, tổ chức tặng cho, tài trợ hợp pháp và hợp tác xã
- Hợp tác xã được sử dụng tài sản chung không chia để làm tài sản bảo đảm khi vay vốn và bảo toàn tài sản, trừ tài sản chung không chia quy định tại các điểm a, c và đ khoản 2 Điều 88 Luật Hợp tác xã 2023 và nguồn hỗ trợ của cá nhân, tổ chức có quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đó không được dùng làm tài sản bảo đảm khi vay vốn.
Xử lý các khoản lỗ của hợp tác xã như thế nào? (Hình từ Internet)
Hợp tác xã thực hiện quản lý, sử dụng quỹ chung không chia như thế nào?
Căn cứ Điều 87 Luật Hợp tác xã 2023 quy định hợp tác xã thực hiện quản lý, sử dụng quỹ chung không chia như sau:
(1) Quỹ chung không chia được sử dụng để hình thành và phát triển tài sản chung không chia; không được chia cho thành viên trong quá trình hoạt động; được xử lý khi giải thể, phá sản theo quy định tại Điều 101 Luật Hợp tác xã 2023 và Điều 102 Luật Hợp tác xã 2023. Hợp tác xã phải lập sổ theo dõi quỹ chung không chia theo nguồn hình thành.
(2) Hợp tác xã được sử dụng quỹ chung không chia nhàn rỗi để gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng, để làm tài sản bảo đảm khi vay vốn và phải bảo toàn vốn, trừ các khoản quỹ chung không chia từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn hỗ trợ của cá nhân, tổ chức có quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đó không được dùng làm tài sản bảo đảm khi vay vốn. Khoản lãi phát sinh từ việc gửi tiết kiệm này được ghi nhận vào quỹ chung không chia.
(3) Việc quản lý, sử dụng quỹ chung không chia và quỹ khác phải được quy định trong Điều lệ, quy chế về quản lý tài chính của hợp tác xã và phù hợp với quy định của pháp luật.
(4) Hằng năm, Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc báo cáo Đại hội thành viên về việc quản lý, sử dụng các quỹ trong năm và phương hướng sử dụng các quỹ năm tiếp theo theo thẩm quyền.
Hợp tác xã có những quyền gì?
Căn cứ Điều 9 Luật Hợp tác xã 2023 quy định 18 quyền của hợp tác xã như sau:
(1) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
(2) Quyết định việc tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thuê và sử dụng lao động.
(3) Được kinh doanh, sản xuất trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
(4) Yêu cầu thành viên đăng ký nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ cho thành viên.
(5) Cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi hoàn thành nghĩa vụ và bảo đảm lợi ích của thành viên theo quy định của Điều lệ hoặc pháp luật có liên quan.
(6) Cung cấp dịch vụ, tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa vì mục tiêu chăm lo đời sống của thành viên, cộng đồng và phát triển bền vững.
(7) Tham gia thực hiện chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.
(8) Kết nạp mới, chấm dứt tư cách thành viên theo quy định của pháp luật về hợp tác xã.
(9) Tăng, giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động.
(10) Huy động vốn theo quy định của pháp luật.
(11) Cho vay nội bộ theo quy định của Luật này.
(12) Theo dõi riêng các khoản doanh thu, chi phí của giao dịch nội bộ và giao dịch bên ngoài.
(13) Liên danh, liên kết, hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để thực hiện mục tiêu hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
(14) Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
(15) Thực hiện việc phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
(16) Tham gia tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
(17) Khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật; giải quyết tranh chấp nội bộ và xử lý thành viên vi phạm theo quy định của Điều lệ.
(18) Quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.