Việc chấm dứt tư cách thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã trong những trường hợp nào?
Nội dung chính
Việc chấm dứt tư cách thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã trong những trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 2, 3 Điều 33 Luật Hợp tác xã 2023 quy định:
Chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã
...
2. Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết góp vốn theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và g khoản 1 Điều này.
3. Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết không góp vốn:
a) Các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
b) Không nộp phí thành viên theo quy định của Điều lệ.
4. Thẩm quyền quyết định chấm dứt tư cách thành viên, giải quyết quyền, nghĩa vụ đối với thành viên trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên thực hiện theo quy định của Luật này và Điều lệ.
Như vậy, các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết góp vốn gồm:
- Thành viên là cá nhân đã chết; bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Thành viên là tổ chức chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
- Hợp tác xã chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
- Thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã;
- Thành viên bị khai trừ theo quy định của Điều lệ;
- Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không thực hiện góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong Điều lệ.
Và các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên liên kết không góp vốn gồm:
- Thành viên là cá nhân đã chết; bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Thành viên là tổ chức chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
- Hợp tác xã chấm dứt tồn tại, giải thể, phá sản;
- Thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã;
- Thành viên bị khai trừ theo quy định của Điều lệ;
- Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc không góp sức lao động trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ;
- Không nộp phí thành viên theo quy định của Điều lệ.
Việc chấm dứt tư cách thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã trong những trường hợp nào?
Nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã được quy định như thế nào trong Luật Hợp tác xã 2023?
Căn cứ vào Điều 32 Luật Hợp tác xã 2023 quy định như sau:
Nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã
1. Thành viên chính thức có nghĩa vụ sau đây:
a) Góp đủ, đúng thời hạn phần vốn góp đã cam kết theo quy định của Điều lệ;
b) Sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã đã đăng ký hoặc góp sức lao động theo thỏa thuận với hợp tác xã;
c) Chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã trong phạm vi phần vốn góp vào hợp tác xã;
d) Bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho hợp tác xã theo quy định của pháp luật và Điều lệ;
đ) Tuân thủ tôn chỉ, mục đích, Điều lệ, quy chế của hợp tác xã, nghị quyết Đại hội thành viên và quyết định của Hội đồng quản trị đối với tổ chức quản trị đầy đủ hoặc Giám đốc đối với tổ chức quản trị rút gọn;
e) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.
2. Thành viên liên kết góp vốn có nghĩa vụ quy định tại các điểm a, c, d, đ và e khoản 1 Điều này.
3. Thành viên liên kết không góp vốn có nghĩa vụ sau đây:
a) Nộp phí thành viên theo quy định của Điều lệ. Phí thành viên không phải là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Phí và lệ phí.
b) Nghĩa vụ quy định tại các điểm b, d, đ và e khoản 1 Điều này.
Như vậy, thành viên của hợp tác xã có những nghĩa vụ phải thực hiện theo quy định nêu trên.
Quyền của thành viên Hợp tác xã được quy định thế nào?
Căn cứ vào Điều 31 Luật Hợp tác xã 2023 quy định như sau:
Quyền của thành viên hợp tác xã
1. Thành viên chính thức có quyền sau đây:
a) Được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ, việc làm;
b) Được phân phối thu nhập theo quy định của Luật này và Điều lệ;
c) Được hưởng phúc lợi của hợp tác xã;
d) Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự Đại hội thành viên;
đ) Được biểu quyết nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên;
e) Ứng cử, đề cử thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu;
g) Kiến nghị, yêu cầu Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của hợp tác xã;
h) Yêu cầu Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập Đại hội thành viên bất thường;
i) Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã;
k) Ra khỏi hợp tác xã theo quy định của Luật này và Điều lệ;
l) Được trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ;
m) Được nhận phần giá trị tài sản còn lại của hợp tác xã theo quy định của Luật này và Điều lệ;
n) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
o) Quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.
2. Thành viên liên kết góp vốn có quyền sau đây:
a) Các quyền quy định tại các điểm b, c, g, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này;
b) Tham gia và phát biểu nhưng không được biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên khi được mời.
3. Thành viên liên kết không góp vốn có quyền sau đây:
a) Các quyền quy định tại các điểm a, c, i, k, n và o khoản 1 Điều này;
b) Tham gia và phát biểu nhưng không được biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên khi được mời.
Như vậy, thành viên hợp tác xã có các quyền theo quy định trên.
Luật Hợp tác xã 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.