Vay tiền nhưng mất khả năng trả nợ có bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Nội dung chính
Vay tiền nhưng mất khả năng trả nợ có bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không?
Hỏi: Chồng tôi vay 150 triệu đồng để kinh doanh với lãi suất 10%/tháng, số tiền vay tính luôn cả lãi trong một năm là 330 triệu đồng nên chồng tôi phải ký nhận vay 330 triệu và chỉ ghi lãi 1%/tháng trong hợp đồng. Hàng tháng trả tiền lãi chồng tôi có làm biên nhận có chữ ký người cho vay. Do việc kinh doanh khó khăn nên chồng tôi mất khả năng trả nợ, xin được trả dần nhưng không đươc chấp thuận và bên cho vay đòi kiện ra tòa. Vậy chúng tôi có bị truy cứu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không và xử lý thế nào?
Khi cơ quan có thẩm quyền truy cứu một người phạm tội theo Bộ luật Hình sự thì phải có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm:
- Chủ thể: Là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Chồng bạn có rơi vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự không? Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
- Khách thể: Xâm phạm quan hệ sở hữu.
- Các dấu hiệu về mặt khách quan:
Hành vi khách quan là chiếm đoạt; chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối: Chồng bạn có hay không có sự lừa dối ngay từ khi giao kết hợp đồng vay tiền (ký kết hợp đồng vay tiền là sự giả tạo để thực hiện mục đích khác); và sau khi vay được tiền thì chồng bạn có hành vi chiếm đoạt số tiền đó không (không trả lãi, cố tình không trả tiền khi người cho vay đòi lại…).
Hậu quả là sự thiệt hại về tài sản: Thiệt hại xảy ra với bên vay tiền là không đòi lại được khoản tiền cho vay và tiền lãi theo thỏa thuận và phù hợp với quy định của pháp luật.
- Các dấu hiệu về mặt chủ quan: Người phạm tội có lỗi cố ý, mong muốn chiếm đoạt được tài sản đó. Ngay từ trước khi vay tiền thì chồng bạn đã có mục đích chiếm đoạt số tiền đó hay không. Nếu sau khi đã nhận tiền vay thì chồng bạn mới có ý định chiếm đoạt số tiền đó thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy trường hợp cụ thể, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng như tội lạm dụng tín nhiệm tài sản.
Việc chồng bạn có bị truy cứu tội lừa đảo chiếm đoạt hay không thì cơ quan điều tra phải làm rõ hành vi của chồng bạn có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm như đã nêu trên hay không. Nếu đầy đủ yếu tố cấu thành thì chồng bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý theo quy định của Điều 139 Bộ luật Hình sự. Cụ thể như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.