09:31 - 18/12/2024

Văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản gốc hay không? Nhiệm vụ của văn thư trong bảo mật con dấu như thế nào?

Cho tôi hỏi văn bản điện tử có giá trị theo pháp luật giống như văn bản gốc hay không? Văn thư có nhiệm vụ bảo mật con dấu như thế nào? Tôi cảm ơn!

Nội dung chính

    Văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản gốc hay không?

    Theo Điều 5 Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư quy định về giá trị pháp lý của văn bản điện tử như sau:

    "Điều 5. Giá trị pháp lý của văn bản điện tử
    1. Văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy.
    2. Chữ ký số trên văn bản điện tử phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật."

    Như vậy, văn bản điện tử vẫn có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy theo quy định.

    Văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản gốc hay không? Nhiệm vụ của văn thư trong bảo mật con dấu như thế nào?

    Văn bản điện tử có giá trị pháp lý như văn bản gốc hay không? Nhiệm vụ của văn thư trong bảo mật con dấu như thế nào? (Hình từ internet)

    Nguyên tắc, yêu cầu quản lý công tác văn thư trong cơ quan hành chính như thế nào?

    Theo Điều 4, Điều 6 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định về công tác văn thư trong cơ quan hành chính như sau:

    Về nguyên tắc, yêu cầu công tác văn thư:

    "Điều 4. Nguyên tắc, yêu cầu quản lý công tác văn thư
    1. Nguyên tắc
    Công tác văn thư được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật.
    2. Yêu cầu
    a) Văn bản của cơ quan, tổ chức phải được soạn thảo và ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày theo quy định của pháp luật: Đối với văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đối với văn bản chuyên ngành do người đứng đầu cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực căn cứ Nghị định này để quy định cho phù hợp; đối với văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định này.
    b) Tất cả văn bản đi, văn bản đến của cơ quan, tổ chức phải được quản lý tập trung tại Văn thư cơ quan để làm thủ tục tiếp nhận, đăng ký, trừ những loại văn bản được đăng ký riêng theo quy định của pháp luật.
    c) Văn bản đi, văn bản đến thuộc ngày nào phải được đăng ký, phát hành hoặc chuyển giao trong ngày, chậm nhất là trong ngày làm việc tiếp theo. Văn Bản đến có các mức độ khẩn: “Hỏa tốc”, “Thượng khẩn” và “Khẩn” (sau đây gọi chung là văn bản khẩn) phải được đăng ký, trình và chuyển giao ngay sau khi nhận được.
    d) Văn bản phải được theo dõi, cập nhật trạng thái gửi, nhận, xử lý.
    đ) Người được giao giải quyết, theo dõi công việc của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm lập hồ sơ về công việc được giao và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan.
    e) Con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức phải được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
    g) Hệ thống phải đáp ứng các quy định tại phụ lục VI Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan."

    Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác văn thư trong cơ quan hành chính:

    "Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác văn thư
    1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trong phạm vi quyền hạn được giao có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đúng quy định về công tác văn thư; chỉ đạo việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác văn thư.
    2. Cá nhân trong quá trình theo dõi, giải quyết công việc có liên quan đến công tác văn thư phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
    3. Văn thư cơ quan có nhiệm vụ
    a) Đăng ký, thực hiện thủ tục phát hành, chuyển phát và theo dõi việc chuyển phát văn bản đi.
    b) Tiếp nhận, đăng ký văn bản đến; trình, chuyển giao văn bản đến.
    c) Sắp xếp, bảo quản và phục vụ việc tra cứu, sử dụng bản lưu văn bản.
    d) Quản lý Sổ đăng ký văn bản.
    đ) Quản lý, sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức; các loại con dấu khác theo quy định."

    Nhiệm vụ của văn thư trong bảo mật, quản lý con dấu như thế nào?

    Theo Điều 32, Điều 33 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định về công tác văn thư trong cơ quan hành chính như sau:

    "Điều 32. Quản lý con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật
    1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giao cho Văn thư cơ quan quản lý, sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức theo quy định.
    2. Văn thư cơ quan có trách nhiệm
    a) Bảo quản an toàn, sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức tại trụ sở cơ quan, tổ chức.
    b) Chỉ giao con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức cho người khác khi được phép bằng văn bản của người có thẩm quyền. Việc bàn giao con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức phải được lập biên bản.
    c) Phải trực tiếp đóng dấu, ký số vào văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành và bản sao văn bản.
    d) Chỉ được đóng dấu, ký số của cơ quan, tổ chức vào văn bản đã có chữ ký của người có thẩm quyền và bản sao văn bản do cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện.
    3. Cá nhân có trách nhiệm tự bảo quản an toàn thiết bị lưu khóa bí mật và khóa bí mật."
    "Điều 33. Sử dụng con dấu, thiết bị lưu khóa bí mật
    1. Sử dụng con dấu
    a) Dấu đóng phải rõ ràng, ngay ngắn, đúng chiều và dùng đúng mực dấu màu đỏ theo quy định.
    b) Khi đóng dấu lên chữ ký, dấu đóng phải trùm lên khoảng 1/3 chữ ký về phía bên trái.
    c) Các văn bản ban hành kèm theo văn bản chính hoặc phụ lục: Dấu được đóng lên trang đầu, trùm một phần tên cơ quan, tổ chức hoặc tiêu đề phụ lục.
    d) Việc đóng dấu treo, dấu giáp lai, đóng dấu nổi trên văn bản giấy do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định.
    đ) Dấu giáp lai được đóng vào khoảng giữa mép phải của văn bản hoặc phụ lục văn bản, trùm lên một phần các tờ giấy; mỗi dấu đóng tối đa 05 tờ văn bản.
    2. Sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật
    Thiết bị lưu khóa bí mật của cơ quan, tổ chức được sử dụng để ký số các văn bản điện tử do cơ quan, tổ chức ban hành và bản sao từ văn bản giấy sang văn bản điện tử."
    153
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ