Trường hợp là văn phòng đại diện được thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp không?
Nội dung chính
Trường hợp là văn phòng đại diện được thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp không?
Hiện nay văn phòng đại diện không được thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp. Cho mình hỏi: Trong thời gian tới văn phòng đại diện có được thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp không?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, theo quy định này thì tới đây văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Quy định mới quy định rõ hơn vấn đề này, hiện nay tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì:
Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
Tuy nhiên, xét về ý nghĩa và chức năng của văn phòng đại diện thì không có gì thay đổi.
Chi nhánh có được kinh doanh ngành nghề mà doanh nghiệp không đăng ký?
Công ty mình định mở chi nhánh và kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm. Mà công ty thì không đăng ký kinh doanh mặt hàng này thì có phải đăng ký hay không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về chi nhánh của doanh nghiệp như sau:
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, nếu doanh nghiệp bạn không đăng ký kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm thì chi nhánh công ty không được kinh doanh mặt hàng này.
Các giấy tờ, tài liệu mà bắt buộc doanh nghiệp phải lưu giữ
Theo quy định pháp luật về doanh nghiệp, 2022 này thì về doanh nghiệp nói chung phải lưu giữ những tài liệu nào?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 11 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về chế độ lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp:
1. Tùy theo loại hình, doanh nghiệp phải lưu giữ các tài liệu sau đây:
a) Điều lệ công ty; quy chế quản lý nội bộ của công ty; sổ đăng ký thành viên hoặc sổ đăng ký cổ đông;
b) Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; giấy phép và giấy chứng nhận khác;
c) Tài liệu, giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản của công ty;
d) Phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu, biên bản họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; các quyết định của doanh nghiệp;
đ) Bản cáo bạch để chào bán hoặc niêm yết chứng khoán;
e) Báo cáo của Ban kiểm soát, kết luận của cơ quan thanh tra, kết luận của tổ chức kiểm toán;
g) Sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm.
Trên đây là các loại tài liệu, giấy tờ mà doanh nghiệp cần phải lưu giữ.
Trân trọng!