16:31 - 12/12/2024

Triệu chứng viêm phổi nặng ở trẻ em? Viêm phổi nặng ở trẻ em có nguy hiểm không?

Bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em có nguy hiểm không? Điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm và báo cáo trường hợp bệnh viêm phổi ở trẻ em? Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em?

Nội dung chính

    Bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em có nguy hiểm không?

    Viêm phổi nặng ở trẻ em là một trong những bệnh lý hô hấp nguy hiểm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và hiện vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa triệt để.

    Viêm phổi khởi phát với các triệu chứng nhẹ, dễ nhầm lẫn với bệnh hô hấp thông thường, do đó nhiều trường hợp bệnh được tiếp nhận điều trị ở giai đoạn muộn, đã xuất hiện biến chứng. Đối với trường hợp trẻ viêm phổi nặng, tỷ lệ cứu sống không cao. Trẻ may mắn được cứu sống phải đối mặt với nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng thần kinh, trí tuệ, sức khỏe và cuộc sống sau này.

    Viêm phổi ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, tác động đến cơ thể theo các cách khác nhau, dẫn đến các triệu chứng khác nhau, cụ thể: 

    - Ở trẻ dưới 5 tuổi, viêm phổi chủ yếu do vi khuẩn như : Streptococcus nhóm B, H.influenza, và S.aureus,

    - Trong khi trẻ dưới 2 tháng tuổi thường bị nhiễm vi khuẩn gram âm như Klebsiella Pneumonia và E.Coli. Viêm phổi do vi khuẩn có thể tiến triển nhanh và nghiêm trọng hơn viêm phổi do virus, thường gặp ở trẻ từ 5-15 tuổi.

    - Ngoài vi khuẩn và virus, các yếu tố như ký sinh trùng, nấm, và ô nhiễm môi trường cũng có thể là nguyên nhân gây viêm phổi nặng ở trẻ em.

    Xem thêm: Dấu hiệu viêm phổi nặng của người lớn là gì?

    >> Viêm phổi nặng ở người lớn có nguy hiểm không?

    Viêm phổi nặng ở trẻ em có nguy hiểm không? Viêm phổi nặng ở trẻ em có nguy hiểm không? (Hình từ Internet)

    Triệu chứng viêm phổi nặng ở trẻ em?

    (1) Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em giai đoạn sớm

    Nhận biết trẻ có bị viêm phổi không, có thể quan sát hơi thở, nhịp thở của trẻ. Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em như thở nhanh – xuất hiện sớm nhất, có thể phát hiện dễ dàng tại nhà bằng cách đếm nhịp thở khi trẻ nằm im, không sốt:

    Nhịp thở >= 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng tuổi.

    Nhịp thở >= 50 lần/phút ở trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi.

    Nhịp thở >= 40 lần/phút ở trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi.

    Ngoài quan sát nhịp thở, trẻ bị viêm phổi còn có các triệu chứng khác như: sốt cao trên 39 độ; mệt mỏi, li bì, có xu hướng muốn ngủ nhiều hơn; khó thở; ho khan, ho có đờm (đờm chuyển từ trắng sang xanh hoặc vàng); môi khô, nhợt nhạt, da xanh xao; đau bụng, tức ngực; bú kém; nôn trớ, tiêu chảy.

    (2)  Triệu chứng viêm phổi nặng ở trẻ em

    Bệnh khi không được can thiệp điều trị kịp thời, có thể diễn tiến sang giai đoạn viêm phổi nặng ở trẻ em với các triệu chứng sau:

    - Sốt cao kéo dài: Sốt không hạ sau khi đã dùng thuốc hạ sốt.

    - Rút lõm lồng ngực: Phần dưới lồng ngực (⅓ dưới) bị lõm khi trẻ hít vào. Lưu ý, rút lõm lồng ngực chỉ xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Ở trẻ trên 2 tuổi sẽ có các triệu chứng thở nhanh, co kéo các cơ hô hấp.

    - Da nhợt nhạt, tím tái.

    Một số triệu chứng khác: thở khò khè, khó thở, đau ngực, cảm giác đau nhức toàn thân, dấu hiệu mất nước, biếng ăn,…

    Điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm và báo cáo trường hợp bệnh viêm phổi nặng ở trẻ em được quy định ra sao?

    Theo Quyết định 5372/QĐ-BYT năm 2020, Bộ Y tế đã đưa ra những chỉ dẫn về việc điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm và báo cáo trường hợp bệnh viêm phổi như sau: 

    (1)  Ngay sau khi thông báo về trường hợp bệnh viêm phổi nặng do vi rút, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiến hành thu thập thông tin theo Phiếu điều tra trường hợp bệnh viêm phổi nặng do vi rút (mẫu 1, phụ lục 4) và lấy mẫu bệnh phẩm (theo hướng dẫn tại Phụ lục 2).

    (2) Sau khi nhận được thông báo, đơn vị YTDP thực hiện xác minh thông tin, đối chiếu với định nghĩa trường hợp bệnh, kiểm tra tính đầy đủ, chính xác được ghi trên phiếu điều tra trường hợp bệnh và kiểm tra mẫu bệnh phẩm đã được thực hiện trước đó của cơ sở phát hiện trường hợp mắc bệnh. Thực hiện hỗ trợ điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa đủ năng lực.

    Trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Trung tâm Y tế tuyến huyện chưa đủ năng lực lấy mẫu bệnh phẩm, cần thông báo ngay cho Trung tâm KSBT tỉnh, thành phố để được hỗ trợ.

    (3)  Thông tin trong phiếu điều tra phải được điền đầy đủ, chính xác thông qua phỏng vấn trường hợp bệnh hoặc người thân, người chăm sóc và qua hồ sơ bệnh án.

    Đối với những phiếu điều tra chưa đầy đủ thông tin khi gửi kèm mẫu bệnh phẩm, Trung tâm KSBT tỉnh, thành phố tiếp tục hoàn thiện bổ sung thông tin.

    (4)  Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trung tâm KSBT tỉnh, thành phố báo cáo trường hợp SVP vào công cụ báo cáo giám sát dựa vào sự kiện và lưu phiếu điều tra trường hợp bệnh tại đơn vị.

    Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em?

    Để phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em, việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đến 25%. Bố mẹ nên sử dụng bếp không khói, giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không hút thuốc gần trẻ và khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên.

    Việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin là phương pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả. Vắc xin có khả năng tạo ra kháng thể chủ động bảo vệ trẻ trước các tác nhân gây bệnh lên đến 95%. Các loại vắc xin phòng tác nhân gây bệnh viêm phổi hiệu quả cao cho trẻ gồm:

    (1) Vắc xin Synflorix (Bỉ)/Prevenar-13 (Bỉ): phòng viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa,… do phế cầu khuẩn cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Vắc xin Phế cầu 23 của Mỹ được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và người lớn.

    (2) Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp)/ Infanrix Hexa (Bỉ): phòng 6 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh viêm phổi – viêm màng não do HIB cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 2 tuổi.

    (3) Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp)/ Infanrix IPV+Hib (Bỉ) phòng 5 bệnh:  bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và bệnh viêm phổi – viêm màng não do Hib cho trẻ từ 2 tháng tuổi.

    (4) Vắc xin Quimi – Hib (Cu Ba) phòng viêm phổi do Hib cho trẻ từ 2 tháng tuổi.

    (5) Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp)/Influvac Tetra (Hà Lan)/GC FLU Quadrivalent (Hàn Quốc) phòng biến chứng viêm phổi gây ra do virus cúm mùa dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

    (6) Vắc xin VA-Mengoc-BC (CuBa) phòng viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết… do não mô cầu khuẩn tuýp BC cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

    (7) Vắc xin Menactra (Mỹ) phòng viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết… do não mô cầu khuẩn tuýp A,C,Y,W-135 cho trẻ từ 9 tháng tuổi.

    78