Trẻ em 5 tuổi có phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không? Thế nào là đội mũ bảo hiểm đúng quy cách?
Nội dung chính
Trẻ em 5 tuổi có phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không?
Tại điểm o khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
...
3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
o) Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định mới, trẻ em từ 06 tuổi trở lên sẽ phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đối với trẻ em 05 tuổi thì việc đội mũ bảo hiểm là không bắt buộc. Dù vậy, vì sự an toàn của trẻ, phụ huynh vẫn có thể đội mũ bảo hiểm cho trẻ mỗi khi tham gia giao thông.
Đồng thời, khuyến khích tất cả người điều khiển xe và người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp hoặc xe thô sơ khác đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách để đảm bảo an toàn.
Trẻ em 5 tuổi có phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không? Thế nào là đội mũ bảo hiểm đúng quy cách? (Hình từ Internet)
Thế nào là đội mũ bảo hiểm đúng quy cách?
Theo khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định trách nhiệm của người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy như sau:
Trách nhiệm của người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy
Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông có trách nhiệm:
1. Đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật.
2. Cài quai mũ theo quy định sau đây:
a) Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm;
b) Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách: dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.
Như vậy, người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông có trách nhiệm đội mũ bảo hiểm đúng quy định pháp luật, đồng thời phải đảm bảo đội mũ đúng theo quy định, cụ thể:
- Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm;
- Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách: dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.
Lái xe máy chở cùng lúc 2 trẻ em có bị phạt không?
Căn cứ Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy như sau:
Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy
1. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
a) Chở người bệnh đi cấp cứu;
b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
c) Trẻ em dưới 14 tuổi.
2. Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
3. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Đi xe dàn hàng ngang;
b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;
c) Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;
d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;
đ) Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
4. Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Mang, vác vật cồng kềnh;
b) Sử dụng ô;
c) Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;
d) Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;
đ) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Theo quy định, trường hợp người điều khiển xe máy chở theo hai người, trong đó có một hoặc cả hai người dưới 14 tuổi thì sẽ không bị phạt.
Tuy nhiên, người điều khiển xe máy chỉ được phép chở một người trên 14 tuổi trên xe máy. Nếu chở 2 người trên 14 tuổi, điều này sẽ được coi là chở quá số người quy định và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.