Tòa án có quyền kiểm tra việc chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo của người bị kết án cũng như công tác quản lý, giám sát, giáo dục của nơi được giao công tác này không?
Nội dung chính
Tòa án có quyền kiểm tra việc chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo của người bị kết án cũng như công tác quản lý, giám sát, giáo dục của nơi được giao công tác này không?
Người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo được Tòa án cấp sổ theo dõi, giám sát, giáo dục. Quyển sổ này do Tòa án hay do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người chấp hành hình phạt quản lý? Tòa án có quyền kiểm tra việc chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo của người bị kết án cũng như công tác quản lý, giám sát, giáo dục của nơi được giao công tác này không? Trường hợp người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú nhưng không thông báo cho người quản lý, giám sát biết, nếu họ xin xóa án tích thì Tòa án giải quyết thế nào?
Theo quy định tại tiết a, khoản 1 Điều 10 Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của Chính phủ quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo thì "Sổ theo dõi người được hưởng án treo do Tòa án cấp". Để thực hiện quy định này, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng và tổ chức in sổ theo dõi việc thi hành án hình sự (dùng cho người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ) để cấp cho các Tòa án nhân dân địa phương. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã tổ chức tập huấn về việc sử dụng hệ thống sổ nghiệp vụ của ngành Tòa án nhân dân, trong đó có loại sổ này. Quyển sổ theo dõi việc thi hành án của người bị phạt tù cho hưởng án treo được Tòa án cấp có người được hưởng án treo thông qua chính quyền (UBND) xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc. Do đó, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức được Tòa án giao cho việc giám sát, giáo dục người bị kết án tù nhưng cho hưởng án treo là nơi có trách nhiệm quản lý, theo dõi, giám sát người đó và việc này được thực hiện thông qua việc quản lý sổ theo dõi việc thi hành án hình sự.
Theo quy định của pháp luật thì Tòa án là cơ quan xét xử, có thẩm quyền được quyết định giao người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ cho chính quyền hoặc cơ quan, tổ chức theo dõi, giám sát, giáo dục. Tòa án cũng là cơ quan ra quyết định thi hành án hình sự, cấp sổ theo dõi việc thi hành án hình sự và thực hiện việc xem xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo, xóa án tích… Như vậy, Tòa án có quyền kiểm tra việc thực hiện quyết định của mình. Chẳng hạn khi Tòa án cấp sổ theo dõi việc thi hành án hình sự cho người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ thông qua UBND hoặc cơ quan tổ chức thì Tòa án có quyền kiểm tra việc thực hiện như thế nào? Các quyển sổ đó có được giao cho người bị kết án không? có thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung của quyển sổ không…? Tuy nhiên, công tác thi hành án hình sự là trách nhiệm của cả hệ thống các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Luật thi hành án hình sự. Theo điều 173 Luật thi hành án hình sự thì Tòa án có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 10 Luật thi hành án hình sự. Do đó, việc theo dõi, kiểm tra công tác chấp hành án của người được hưởng án treo cũng cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để tránh việc kiểm tra chồng chéo.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 61/CP của Chính phủ thì khi người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú phải được phép của cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, đồng thời phải báo cáo cho chính quyền… Nếu không phải là cán bộ, công chức thì phải báo cáo với người trực tiếp giám sát giáo dục, trường hợp đi khỏi nơi cư trú trên 30 ngày phải làm báo cáo bằng văn bản với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và ghi rõ thời gian vắng mặt, nơi đến tạm trú.
Như vậy, trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú mà không báo cáo với người có trách nhiệm giám sát, giáo dục là vi phạm pháp luật và khi họ xin Tòa án xóa án tích thì trong hồ sơ đề nghị sẽ có nhận xét của chính quyền, cơ quan, tổ chức và người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục. Tòa án có quyền cấp hoặc không cấp chứng nhận xóa án tích.
(Xem Thông tư liên ngành số 02/TTLN ngày 01/8/1986 của TAND tối cao, VKSND tối cao, BTP, Bộ Nội vụ (nay là Bộ công an); Thông tư liên ngành số 03/1989 ngày 15/7/1989 của Liên ngành Tư pháp Trung ương).