14:37 - 19/11/2024

Tiêu chuẩn chức danh hộ sinh hạng II

Tiêu chuẩn chức danh hộ sinh hạng II được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi đang sinh sống và làm việc tại Bình Định. Để phục vụ cho nhu cầu công việc, tôi có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp tôi, cụ thể tôi không biết pháp luật quy định như thế nào về chức danh hộ sinh hạng II? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này?

Nội dung chính

    Tiêu chuẩn chức danh hộ sinh hạng II

    Tiêu chuẩn chức danh hộ sinh hạng II được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Nội vụ ban hành như sau:

    Hộ sinh hạng II - Mã số: V.08.06.14

    1. Nhiệm vụ:

    a) Chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ:

    Khám và nhận định tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ, xác định vấn đề ưu tiên cần chăm sóc của từng đối tượng;

    Chủ trì, lập kế hoạch, tổ chức, thực hiện chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ;

    Lập kế hoạch theo dõi, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc theo dõi, đánh giá diễn biến hằng ngày của bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ; phát hiện, xử trí kịp thời, tiên lượng, báo cáo quá trình xử trí và những diễn biến bất thường không thuộc phạm vi xử trí của hộ sinh cho bác sĩ điều trị; phối hợp cùng bác sĩ chỉ đạo các hộ sinh cấp thấp hơn xử trí diễn biến bất thường;

    Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra kỹ thuật điều dưỡng và phục hồi chức năng cơ bản, kỹ thuật chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh thiết yếu và chuyên sâu, kế hoạch hóa gia đình, phá thai an toàn;

    Nhận định nhu cầu dinh dưỡng, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ sơ sinh;

    Lập kế hoạch, tổ chức, giám sát, kiểm tra việc thực hiện chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ tâm lý cho bà mẹ và gia đình trong trường hợp thai nghén, sinh đẻ, sau đẻ và sơ sinh bất thường nghiêm trọng; chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ tâm lý cho người bệnh giai đoạn cuối;

    Hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc ghi chép hồ sơ theo quy định;

    Lập kế hoạch và đề xuất danh mục thuốc, thiết bị y tế phù hợp với thực tế công việc; tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra việc bảo quản thuốc và trang thiết bị y tế.

    b) Chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng:

    Lập kế hoạch, tổ chức khám và quản lý thai đối với sản phụ trong trường hợp sản phụ không thể đến cơ sở y tế;

    Chủ trì lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá việc khám, chăm sóc bà mẹ thời kỳ mang thai và chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh giai đoạn sau sinh tại nhà;

    Quản lý về chuyên môn, giám sát, hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, kế hoạch hóa gia đình tại cộng đồng;

    Tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu và chương trình mục tiêu quốc gia.

    c) Sơ cứu, cấp cứu:

    Quản lý, tổ chức, chuẩn bị sẵn sàng thuốc và phương tiện cấp cứu;

    Chủ trì, tổ chức thực hiện sơ cứu, cấp cứu sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh ban đầu; báo cáo và phối hợp với bác sĩ phụ trách hoặc chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên;

    Hỗ trợ viên chức hộ sinh khác hoặc tuyến dưới xử trí cấp cứu bà mẹ, trẻ sơ sinh kịp thời tại cộng đồng;

    Tổ chức, tham gia cấp cứu dịch bệnh và thảm họa khi có yêu cầu.

    d) Truyền thông, giáo dục, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản:

    Chủ trì lập kế hoạch, tổ chức, thực hiện đánh giá nhu cầu tư vấn, giáo dục sức khỏe đối với bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ;

    Chủ trì lập kế hoạch, tổ chức, thực hiện truyền thông, giáo dục, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản (bao gồm cả nam giới), kế hoạch hóa gia đình, phá thai an toàn, phòng chống bạo lực giới tại cơ sở y tế và cộng đồng;

    Lập kế hoạch, tổ chức giám sát, hỗ trợ và đánh giá kết quả truyền thông, giáo dục và tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

    đ) Phối hợp, hỗ trợ trong điều trị:

    Phối hợp với bác sĩ phân cấp chăm sóc và tổ chức thực hiện chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ;

    Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuẩn bị cho bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ nhập viện, chuyển khoa, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ra viện khi có chỉ định;

    Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện quản lý buồng bệnh, quản lý bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh, người sử dụng dịch vụ và thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hồ sơ bệnh án.

    e) Bảo vệ và thực hiện quyền của người bệnh:

    Thực hiện và biện hộ quyền của bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ theo quy định của pháp luật;

    Tạo điều kiện cho bà mẹ, người bệnh và người sử dụng dịch vụ quyền được tham gia vào quá trình chăm sóc, điều trị;

    Thực hiện, giám sát thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ.

    g) Đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nghề nghiệp:

    Chủ trì, tổ chức đào tạo và hướng dẫn thực hành cho học sinh, sinh viên và viên chức hộ sinh;

    Chủ trì và tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ; áp dụng sáng kiến, cải tiến chất lượng trong chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh, người bệnh và người sử dụng dịch vụ;

    Tham gia xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo liên tục và đào tạo chuyên môn hộ sinh.

    2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

    a) Tốt nghiệp chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên chuyên ngành hộ sinh;

    b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm có yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;

    c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

    d) Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hộ sinh hạng II.

    3. Tiêu chuẩn về năng, lực chuyên môn, nghiệp vụ:

    a) Hiểu biết quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;

    b) Thực hiện thành thạo các kỹ năng cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực sản phụ khoa và sơ sinh;

    c) Hiểu biết về nguyên tắc trong chăm sóc sức khỏe ban đầu vào công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản;

    d) Hiểu biết và áp dụng kỹ năng; quản lý và năng lực phát triển nghề nghiệp;

    đ) Chủ nhiệm hoặc thư ký hoặc tham gia chính (50% thời gian trở lên) đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trở lên hoặc sáng kiến/phát minh khoa học/sáng kiến cải tiến kỹ thuật chuyên ngành đã được nghiệm thu đạt;

    e) Viên chức thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp hộ sinh hạng III lên chức danh nghề nghiệp hộ sinh hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hộ sinh hạng III hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm, trong đó có thời gian gần nhất giữ chức danh nghề nghiệp hộ sinh hạng III tối thiểu là 02 năm.

    Trên đây là nội dung quy định về tiêu chuẩn chức danh hộ sinh hạng II. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV.

    Trân trọng!

    7