15:07 - 23/09/2024

Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo cơ quan Nhà nước?

Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo cơ quan Nhà nước theo Nghị định 29/2024/NĐ-CP là gì?

Nội dung chính


    Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo cơ quan Nhà nước theo Nghị định 29/2024/NĐ-CP?

    Ngày 06/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.

    Theo đó, Nghị định 29/2024/NĐ-CP được áp dụng đối với các đối tượng sau:

    (1) Đối với Bộ:

    - Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

    - Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ;

    - Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Phó Chánh Thanh tra Bộ;

    - Trưởng phòng thuộc Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; Chánh Văn phòng Cục thuộc Bộ, Chánh Thanh tra Cục, Chi cục trưởng thuộc Cục thuộc Bộ;

    - Phó Trưởng phòng thuộc Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ; Phó Chánh Văn phòng Cục thuộc Bộ, Phó Chánh Thanh tra Cục, Phó Chi cục trưởng thuộc Cục thuộc Bộ;

    - Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ;

    - Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ.

    (2) Đối với Tổng cục và tương đương thuộc Bộ:

    - Tổng cục trưởng và tương đương;

    - Phó Tổng cục trưởng và tương đương;

    - Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra Tổng cục;

    - Phó Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Chánh Văn phòng, Phó Chánh Thanh tra Tổng cục;

    - Trưởng phòng thuộc Cục, Văn phòng, Thanh tra Tổng cục; Chánh Văn phòng Cục thuộc Tổng cục, Chi Cục trưởng thuộc Cục thuộc Tổng cục;

    - Phó Trưởng phòng thuộc Cục, Văn phòng, Thanh tra Tổng cục; Phó Chánh Văn phòng Cục thuộc Tổng cục, Phó Chi cục trưởng thuộc Cục thuộc Tổng cục;

    - Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Tổng cục;

    - Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Tổng cục.

    (3) Đối với Sở và tương đương:

    - Giám đốc Sở, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc;

    - Phó Giám đốc Sở, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc;

    - Chi cục trưởng, Trưởng Ban, Trưởng phòng thuộc Sở; Trưởng phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Trưởng phòng thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chánh Văn phòng Sở, Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng thuộc Ban Dân tộc;

    - Phó Chi cục trưởng, Phó Trưởng Ban, Phó Trưởng phòng thuộc Sở; Phó Trưởng phòng thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó Trưởng phòng thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Chánh Văn phòng Sở, Phó Chánh Thanh tra Sở, Phó Trưởng phòng thuộc Ban Dân tộc;

    - Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục, Ban thuộc Sở;

    - Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục, Ban thuộc Sở.

    (4) Đối với cấp phòng và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện:

    - Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Trưởng phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;

    - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Phó Trưởng phòng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

    Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo cơ quan Nhà nước theo Nghị định 29/2024/NĐ-CP? (Hình từ Internet)

    Tiêu chuẩn chung về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật đối với chức danh công chức lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước là gì?

    Tại Điều 5 Nghị định 29/2024/NĐ-CP có quy định tiêu chuẩn chung về về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật đối với chức danh công chức lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước như sau:

    - Có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; có tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; không tham nhũng, vụ lợi; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

    - Có trách nhiệm cao với công việc.

    - Có tinh thần đoàn kết, gương mẫu; có khả năng sử dụng, trọng dụng người có tài năng, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động.

    - Tích cực đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lối sống cơ hội, bè phái, lợi ích nhóm.

    - Tuân thủ và thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác; báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan khi có yêu cầu; thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.

    Tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng đối với chức danh công chức lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước là gì?

    Tại Điều 4 Nghị định 29/2024/NĐ-CP có quy định về tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng đối với chức danh công chức lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước gồm có:

    - Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng.

    - Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật.

    - Có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

    - Chấp hành sự phân công của cơ quan, tổ chức; tuân thủ kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật.

     

    6