Thực hiện chương trình, hoạt động giáo dục trong trường phổ thông dân tộc nội trú
Nội dung chính
Thực hiện chương trình, hoạt động giáo dục trong trường phổ thông dân tộc nội trú
Thực hiện chương trình và các hoạt động giáo dục trong trường phổ thông dân tộc nội trú được quy định tại Điều 21 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú ban hành kèm theo Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT như sau:
Trường PTDTNT thực hiện chương trình giáo dục và các hoạt động giáo dục của cấp học phổ thông tương ứng được quy định tại Điều lệ trường trung học hiện hành, ngoài ra còn thực hiện chương trình và các hoạt động giáo dục đặc thù sau:
1. Trường PTDTNT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ chương trình giáo dục và kế hoạch thời gian năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh.
2. Tổ chức, quản lý công tác nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh nội trú gồm:
a) Tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng theo đúng chế độ học bổng được cấp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Hoạt động nuôi dưỡng được thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng phong tục tập quán tiến bộ của các dân tộc;
b) Chăm sóc sức khỏe học sinh nội trú và giáo dục học sinh biết tự chăm sóc bản thân;
c) Tổ chức và quản lý học sinh trong khu nội trú của trường; tự học của học sinh ngoài giờ chính khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Giáo dục học sinh tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường.
3. Hoạt động lao động, văn hóa, văn nghệ, thể thao gồm:
a) Lao động công ích, tăng gia sản xuất để cải thiện điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh;
b) Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao: sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động theo chủ đề, chủ điểm, tham quan du lịch, lễ hội, tết dân tộc; giao lưu văn hóa và các hoạt động xã hội khác nhằm giáo dục lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách học sinh.
4. Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để tổ chức giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu của học sinh, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.