10:47 - 12/11/2024

Thủ tục khởi kiện tranh chấp hợp đồng (đòi nợ)

1. Năm 2005 cơ quan em có ký hợp đồng thi công công trình với một nhà thầu (Công ty A) để thi công xây dựng công trình X (sử dụng vốn nhà nước), công trình nằm ở huyện T. Trong hợp đồng có thỏa thuận điều khoản tranh chấp và giải quyết tranh chấp: "trường hợp không đạt được thỏa thuận giữa các bên, việc tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật". Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty A vi phạm tiến độ và cơ quan em cắt hợp đồng năm 2008. Sau khi cắt hợp đồng thì Công ty A còn nợ một số tiền tạm ứng nhưng không hoàn trả lại cho cơ quan em. Cơ quan em làm thủ tục khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện nơi cơ quan em đóng trụ sở nhưng tòa án không thụ lý mà yêu cầu cơ quan em phải nộp đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện T (địa điểm thi công công trình). Xin hỏi: Tòa án nơi cơ quan em đóng trụ sở không thụ lý vụ án có đúng quy định của pháp luật hay không? 2. Năm 2006 cơ quan em có ký hợp đồng thi công công trình với một nhà thầu (Công ty B) để thi công xây dựng công trình Y (sử dụng vốn nhà nước), công trình nằm ở huyện V. Trong hợp đồng có thỏa thuận điều khoản tranh chấp và giải quyết tranh chấp: "Khi có tranh chấp hai bên tự giải quyết thông qua thương lượng. Trường hợp không tự giải quyết được cùng thông qua Tòa án kinh tế giải quyết". Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty B vi phạm tiến độ và cơ quan em cắt hợp đồng năm 2009. Sau khi cắt hợp đồng thì Công ty B còn nợ một số tiền tạm ứng nhưng không hoàn trả lại cho cơ quan em. Xin hỏi: trong hợp đồng thỏa thuận như vậy thì cơ quan em gửi đơn khởi kiện ra tòa án nào (tòa án nhân dân huyện hay tòa án nhân dân tỉnh? Nhờ Luật sư hướng dẫn giúp thủ tục khởi kiện

Nội dung chính

    Thủ tục khởi kiện tranh chấp hợp đồng (đòi nợ)

    Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 thì tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định tại Điều 29.

    Điều 29. Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án

    1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm:

    a) Mua bán hàng hoá;

    b) Cung ứng dịch vụ;

    c) Phân phối;

    d) Đại diện, đại lý;

    đ) Ký gửi;

    e) Thuê, cho thuê, thuê mua;

    g) Xây dựng;

    h) Tư vấn, kỹ thuật;

    i) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa;

    k) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển;

    l) Mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác;

    m) Đầu tư, tài chính, ngân hàng;

    n) Bảo hiểm;

    o) Thăm dò, khai thác.

    2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

    3. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

    4. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.

    Điều 33. Thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

    1. Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

    a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này;

    b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều 29 của Bộ luật này;

    c) Tranh chấp về lao động quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật này.

    2. Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:

    a) Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 26 của Bộ luật này;

    b) Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 28 của Bộ luật này.

    3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.

    Điều 35. Thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ

    1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Toà án theo lãnh thổ được xác định như sau:

    a) Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

    b) Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;

    c) Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.

    Với trường hợp này cùng các thông tin ban đầu em cung cấp thì trường hợp bên em muốn khởi kiện các đơn vị thì công thì buộc phải khởi kiện tại nơi các đơn vị đó có đăng ký trụ sở hoạt động chính và tòa án thụ lý vụ án sẽ là tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh. Sau đó nếu có kháng cáo vụ việc sẽ được giải quyết tại tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

     

    3