Thời hạn trả sổ BHXH cho người lao động khi nghỉ hưu?
Nội dung chính
Thời hạn trả sổ BHXH cho người lao động khi nghỉ hưu?
Tại khoản 3 Điều 111 Luật Bảo hiểm Xã hội quy định: “Tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp; hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Theo đó, điểm c khoản 3 Điều 18 Luật Bảo hiểm Xã hội nêu rõ: “người sử dụng lao động có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm cho người lao động khi họ không còn làm việc”.
Điều 43 Bộ luật Lao động quy định: “Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày”.
Ngoài ra, tại Điều 7 Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động được quyền nhận lại sổ bảo hiểm xã hội khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Dó đó, nếu người lao động nghỉ việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải tiến hành làm thủ tục xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp (chốt sổ bảo hiểm xã hội) và trả lại sổ cho người lao động để hoàn tất thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng thời gian quy định của pháp luật.
Trường hợp người sử dụng lao động không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động là trái với quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật Bảo hiểm xã hội vi phạm về thủ tục thực hiện Bảo hiểm xã hội: “không cấp sổ bảo hiểm xã hội, không trả sổ bảo hiểm xã hội”.
Vì vậy, nếu người lao động có đầy đủ bằng chứng chứng minh phía doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, cố tình chậm trễ việc trả sổ bảo hiểm xã hội, chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, người lao động có thể làm đơn khởi kiện đến tòa án
Căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 31; điểm c khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 tranh chấp về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Như vậy, người lao động có thể nộp đơn khởi kiện doanh nghiệp về việc chậm trả sổ bảo hiểm xã hội đến tòa án để giải quyết quyền lợi cho mình.