Thời gian thử thách của án treo
Nội dung chính
Thời gian thử thách của án treo là thời gian mà Tòa án ấn định để thử thách người bị kết án được hưởng án treo, nếu hết thời gian đó mà người bị kết án không phạm tội mới thì hình phạt tù mà Tòa án quyết định đối với người bị kết án sẽ không phải thi hành. Ngược lại, nếu trong thời gian đó người bị kết án lại phạm tội mới thì người bị kết án, ngoài việc phải chấp hành hình phạt đối với tội mới phạm, còn phải chấp hành hình phạt tù mà Tòa án đã cho họ hưởng án treo.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật hình sự, thì thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo là từ một năm đến năm năm. Không được dưới một năm và không được quá năm năm, đặc biệt không được miễn thời gian thử thách. Nếu theo quy định này, thì người bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm, Tòa án có thể ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm mà không bị ràng buộc bởi tỷ lệ bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm tù thì bị thử thách bao nhiêu năm, mà có thể người phạm tội chỉ bị xử phạt 3 tháng tù nhưng có thể bị thử thách năm năm, ngược lại người phạm tội bị xử phạt 3 năm tù nhưng chỉ phải thử thách một năm. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, thông thường các Tòa án ấn định thời gian thử thách gấp đôi thời gian của hình phạt tù.
Theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 1/HĐTP ngày 18/10/1990, thì thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo; nếu có nhiều bản án cho hưởng án treo thì tính từ ngày tuyên bản án đầu tiên cho hưởng án treo. Nghĩa là: nếu Tòa án cấp sơ thẩm cho người bị kết án được hưởng án treo, thì thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm; nếu Tòa án sơ thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án phúc thẩm; nếu Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cáp phúc thẩm đều không cho hưởng án treo, nhưng Tòa án cấp giám đốc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án cấp giám đốc thẩm; nếu Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Tòa án cấp giám đốc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Hướng dẫn này cho đến nay vẫn còn phù hợp với thực tiễn xét xử, có ý nghĩa phát huy tác dụng phòng ngừa của án treo, tránh tình trạng người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm hoặc phạm tội mới trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm mà không bị coi là phạm tội trong thời gian thử thách.
Theo hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 6.4 mục 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2-10-2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì bị cáo được Tòa án cho hưởng án treo đã bị tạm giam, thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hanh, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.
Nếu đã giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc thì không giao cho chính quyền địa phương nơi người đó thường trú nữa. Tòa án chỉ giao người được hưởng án treo cho chính quyền địa phương nơi người đó thường trú nếu khi tuyên án, người đó không làm việc ở cơ quan, tổ chức nào.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được Tòa án giao người hưởng án treo là trách nhiệm giám sát và giáo dục chứ không chi có theo dõi và giáo dục như quy định tại khoản 2 Điều 44 Bộ luật hình sự năm 1985.