11:32 - 02/12/2024

Thời gian học Liên thông đại học là bao lâu? Điều kiện để học liên thông được quy định như thế nào?

Liên thông đại học là gì? Thời gian học Liên thông đại học là bao lâu? Có những phương thức tuyển sinh liên thông đại học nào?

Nội dung chính

    Liên thông đại học là gì? Thời gian học Liên thông đại học là bao lâu?

    Liên thông đại học là một hình thức học nâng cao trình độ được Bộ GD&ĐT cho phép một số trường thực hiện, dành cho những người đã tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên nghiệp hoặc cao đẳng. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, người học sẽ được cấp bằng đại học.

    Liên thông đại học sẽ giúp bồi dưỡng thêm kiến thức, trau dồi thêm kỹ năng mà bậc học trước đó chưa được đào tạo, nhằm đáp ứng được yêu cầu công việc như mở rộng cơ hội thăng tiến cho nhiều người.

    Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về thời gian học liên thông. Thời gian học liên thông sẽ phụ thuộc vào từng chương trình đào tạo của mỗi trường, nhưng thông thường dao động từ 1,5 đến 3 năm.

    Liên thông đại học là gì?

    Liên thông đại học là gì? Thời gian học Liên thông đại học là bao lâu? (Hình từ internet)

    Điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học tổ chức tuyển sinh đào tạo liên thông là gì?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Quyết định 18/2017/QĐ-TTg thì cơ sở giáo dục đại học có đủ các điều kiện sau đây được tổ chức tuyển sinh đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học:

    (1) Đối với ngành dự kiến tuyển sinh đào tạo liên thông:

    - Cơ sở giáo dục đại học đã có quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học hình thức chính quy;

    - Cơ sở giáo dục đại học đã và đang tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ đại học theo tín chỉ được ít nhất 03 (ba) khóa liên tục khi quyết định thực hiện tuyển sinh đào tạo liên thông hình thức chính quy.

    Lưu ý:

    Đối với đào tạo liên thông khối ngành nghệ thuật, cơ sở giáo dục đại học đã và đang tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ đại học theo tín chỉ hoặc niên chế hình thức chính quy được ít nhất 03 (ba) khóa liên tục khi quyết định thực hiện tuyển sinh đào tạo liên thông hình thức chính quy.

    Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm thêm điều kiện có ít nhất một khóa sinh viên trình độ đại học hình thức chính quy đã tốt nghiệp.

    (2) Cơ sở giáo dục đại học đã ban hành quy định về công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức, kỹ năng đã tích lũy của người học được miễn trừ khi học chương trình đào tạo liên thông và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học.

    Điều kiện để học liên thông của người dự tuyển được quy định như thế nào?

    Theo Điều 4 Quyết định 18/2017/QĐ-TTg, người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có thể học tiếp các chương trình đào tạo trình độ đại học theo hướng chuyên môn phù hợp, hoặc theo hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được các điều kiện của chương trình đào tạo.

    Người dự tuyển liên thông phải bảo đảm các điều kiện theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có một trong các văn bằng dưới đây:

    - Bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng do các cơ sở đào tạo trong nước cấp. Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    - Bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

    - Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, người đăng ký dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng khối ngành sức khỏe.

    Trong đó, người có bằng tốt nghiệp Y sĩ được đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Răng Hàm Mặt; người có bằng trung cấp Dược hoặc cao đẳng Dược đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ đại học ngành Dược.

    Có những phương thức tuyển sinh liên thông đại học nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 6 tại Quyết định 18/2017/QĐ-TTg, thì hiện nay, có 02 phương thức tuyển sinh liên thông đại học để các trường đại học lựa chọn tuyển sinh liên thông đó là: Thi tuyển và xét tuyển. Cụ thể:

    - Tuyển sinh liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học được thực hiện theo các phương thức thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    - Người có bằng tốt nghiệp trung cấp đăng ký tuyển sinh liên thông lên trình độ đại học, được dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở kỳ tuyển sinh vào đại học hàng năm của cơ sở giáo dục đại học.

    - Người có bằng tốt nghiệp cao đẳng đăng ký tuyển sinh liên thông lên trình độ đại học, được dự tuyển sinh liên thông theo các hình thức do Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quyết định như sau:

    + Dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở kỳ tuyển sinh vào đại học hàng năm của cơ sở giáo dục đại học.

    + Dự thi tuyển sinh liên thông riêng do cơ sở giáo dục đại học tự ra đề thi và tổ chức thi tuyển. Các môn thi tuyển sinh liên thông riêng bao gồm: môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề. Việc tổ chức tuyển sinh, xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển thực hiện theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    Lưu ý: Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, chỉ áp dụng thi tuyển sinh liên thông riêng đối với người đã có chứng chỉ hành nghề và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với điểm mỗi môn thi phải đạt từ 05 (năm) điểm trở lên theo thang điểm 10.

    10