Tăng cường rà soát việc xét cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng và xử lý nghiêm các giấy tờ giả mạo?
Nội dung chính
Thực trạng công tác xét cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hiện nay như thế nào?
Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BXD năm 2023 về việc tăng cường rà soát, chấn chỉnh công tác xét cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
Theo đó, văn bản có nêu rõ thực trạng công tác xét cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hiện nay như sau:
Trong quá trình thực hiện Luật Xây dựng 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sửa đổi 2020, công tác xét cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của các cá nhân, tổ chức được cấp chứng chỉ đã góp phần thuận lợi cho công tác quản lý, minh bạch thông tin trong hoạt động xây dựng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các khó khăn, vướng mắc khi nộp hồ sơ đề nghị xét cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực tại các cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ. Mặt khác, Bộ Xây dụng nhận thấy trong quá trình xem xét hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng như hồ sơ không trung thực trong kê khai, xác nhận kinh nghiệm, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tăng cường rà soát việc xét cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng và xử lý nghiêm các giấy tờ giả mạo?
Yêu cầu rà soát việc xét cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng và xử lý nghiêm các giấy tờ giả mạo?
Tại Chỉ thị 04/CT-BXD năm 2023, Bộ Xây dựng chỉ thị một số nhiệm vụ nhằm chấn chỉnh công tác xét cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
Trong đó, Bộ xây dựng yêu cầu chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác tiếp nhận hồ sơ, xét cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
- Đồng thời thực hiện quy trình cấp chứng chỉ đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.
- Thực hiện thu lệ phí cấp chứng chỉ theo quy định.
- Ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức công vụ như sách nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong khi tiếp nhận hồ sơ, xét cấp chứng chỉ.
- Tăng cường kiểm soát, phát hiện kịp thời các hành vi bị nghiêm cấm như sử dụng tài liệu, văn bằng, chứng chỉ giả mạo không hợp lệ, không đúng với năng lực để hợp thức thủ tục cấp chứng chỉ.
- Trường hợp đủ cơ sở xác định các loại giấy tờ giả mạo để đề nghị cấp chứng chỉ thì thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền biết, xử lý theo quy định.
Yêu cầu đăng tải thông tin năng lực hoạt động xây dựng của cá nhân, tổ chức được cấp chứng chỉ lên Trang thông tin điện tử?
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra theo Chỉ thị 04/CT-BXD năm 2023, cụ thể như sau:
- Rà soát, đăng tải đầy đủ thông tin năng lực hoạt động xây dựng của cá nhân, tổ chức được cấp chứng chỉ lên Trang thông tin điện tử do mình quản lý và thực hiện tích hợp thông tin lên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng " https://nangluchdxd.gov.vn ” phục vụ quản lý, tra cứu.
- Đồng thời, tăng cường phổ biến, hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện tra cứu thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên các Trang thông tin điện tử này, tránh truy cập vào các Trang thông tin giả mạo cung cấp các thông tin không chính xác.
Ngoài ra, Bộ Xây dụng cũng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính về cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
- Tăng cường phổ biến, khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính mức độ 4 đối với các thủ tục đủ điều kiện thực hiện theo quy định.
Mặt khác, yêu cầu Tổ chức xã hội - nghề nghiệp được công nhận thực hiện xét cấp chứng chỉ theo đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc phạm vi được công nhận.
- Chủ động rà soát, xử lý vi phạm, báo cáo kết quả xử lý về Bộ Xây dựng (nếu có).
Quy định chung về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng như thế nào?
Căn cứ tại Điều 62 Nghị định 15/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 53 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.
Các lĩnh vực, phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định này. Các hoạt động tư vấn liên quan đến kiến trúc, phòng cháy chữa cháy thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc và phòng cháy chữa cháy.
2. Cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có giấy phép năng lực hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nếu hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam dưới 06 tháng hoặc ở nước ngoài nhưng thực hiện các dịch vụ tư vấn xây dựng tại Việt Nam thì giấy phép năng lực hành nghề phải được hợp pháp hóa lãnh sự để được công nhận hành nghề. Trường hợp cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 64 Nghị định này.
3. Cá nhân không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Nghị định này khi thực hiện các hoạt động xây dựng sau:
a) Thiết kế, giám sát hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông trong công trình;
b) Thiết kế, giám sát công tác hoàn thiện công trình xây dựng như trát, ốp lát, sơn, lắp đặt cửa, nội thất và các công việc tương tự khác không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình;
c) Các hoạt động xây dựng đối với công trình cấp IV; công viên cây xanh; đường cáp truyền dẫn tín hiệu viễn thông.
4. Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề được tham gia các hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và không được hành nghề độc lập, không được đảm nhận chức danh theo quy định phải có chứng chỉ hành nghề.
5. Chứng chỉ hành nghề có hiệu lực 05 năm khi cấp lần đầu hoặc cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ, gia hạn chứng chỉ. Riêng đối với chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài, hiệu lực được xác định theo thời hạn được ghi trong giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không quá 05 năm.
Trường hợp cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hoặc cấp lại do chứng chỉ cũ còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc ghi sai thông tin thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó.
6. Chứng chỉ hành nghề có quy cách và nội dung chủ yếu theo Mẫu số 06 Phụ lục IV Nghị định này.
7. Chứng chỉ hành nghề được quản lý thông qua số chứng chỉ hành nghề, bao gồm 02 nhóm ký hiệu, được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-), quy định như sau:
a) Nhóm thứ nhất: Có 03 ký tự thể hiện nơi cấp chứng chỉ được quy định cụ thể tại Phụ lục VIII Nghị định này;
b) Nhóm thứ hai: Mã số chứng chỉ hành nghề.
8. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý về việc cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề; quản lý cấp mã số chứng chỉ hành nghề; công khai danh sách cá nhân được cấp chứng chỉ trên trang thông tin điện tử.
Như vậy, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập.
Ngoài ra, số chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng gồm 02 nhóm ký hiệu, được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-), quy định như sau:
- Nhóm thứ nhất: có 03 ký tự thể hiện nơi cấp chứng chỉ được quy định cụ thể tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP;
- Nhóm thứ hai: Mã số chứng chỉ hành nghề.