Sử dụng văn khấn có phải là mê tín dị đoan không?
Nội dung chính
Mê tín dị đoan là gì? Tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 có định nghĩa về tín ngưỡng như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
2. Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
....
Như vậy, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những hoạt động tín ngưỡng như thờ cúng ông bà tổ tiên, các lễ nghi dân gian,... gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể mê tín dị đoan, nhưng có thể hiểu mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, không phù hợp với lẽ tự nhiên dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khoẻ, thời gian, tài sản, tính mạng.
Sử dụng văn khấn có phải là mê tín dị đoan không? (Hình từ Internet)
Sử dụng văn khấn có phải là mê tín dị đoan không?
Căn cứ khoản 4 Điều 3 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL cũng nêu rõ, các hành vi bị cấm:
Quy định cấm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng
...
4. Hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá có nội dung mê tín dị đoan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác.
Theo quy định trên, có thể thấy, những hành vi được coi là mê tín dị đoan phải là những hành vi làm mê hoặc người khác, gây tác động xấu đến người khác và trái với tự nhiên như xem bói, phù chú, yểm bùa…
Việc xác định sử dụng văn khấn có phải là mê tín dị đoan hay không còn phụ thuộc vào mục đích của việc thực hiện nghi lễ đó.
Nếu nghi lễ được thực hiện với mục đích cầu mong sự bình an, may mắn cho bản thân và gia đình thì đó không phải là mê tín dị đoan.
Tuy nhiên, nếu nghi lễ được thực hiện với mục đích trục lợi, lợi dụng lòng tin của người dân thì đó là mê tín dị đoan.
Như vậy, không phải tất cả các trường hợp sử dụng văn khấn đều là mê tín dị đoan.
Lợi dụng việc sử dụng văn khấn để hành nghề mê tín dị đoan bị phạt bao nhiêu tiền?
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng văn khấn để hành nghê mê tín dị đoan bị phạt bao nhiêu tiền. Tùy vào tính chất, mức độ và hành vi, người sử dụng văn khấn để hành nghê mê tín dị đoan có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp sau:
Đầu tiên, căn cứ tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử lý vi phạm quy định về tổ chức lễ hội như sau:
Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội
...
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi;
b) Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam;
b) Ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức lễ hội theo quy định phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thông báo;
b) Tổ chức lễ hội không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc nội dung đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
...
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3, điểm a khoản 4 và điểm đ khoản 7 Điều này;
b) Buộc hoàn lại số tiền có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.
Như vậy, trong trường hợp sử dụng văn khấn để hành nghề mê tín dị đoan trong khi tổ chức lễ tội để trục lợi thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
Bên cạnh đó, tại điểm c khoản 6 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử lý vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa cụ thể:
Vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa
...
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương;
b) Không có văn bản đồng ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với di tích cấp tỉnh hoặc không có văn bản đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt khi xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II;
c) Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan.
...
Theo đó, nếu hành vi sử dụng văn khấn để hành nghề mê tín dị đoan được xác định là hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan thì có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với hành vi như trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân (tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP)