Sử dụng biển quảng cáo cửa hàng giống biển báo giao thông có bị phạt hay không?
Nội dung chính
Sử dụng biển quảng cáo cửa hàng giống biển báo giao thông có vi phạm pháp luật không?
Hiện tại pháp luật chưa quy định cụ thể về biển quảng cáo. Tuy nhiên, pháp luật có quy định về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Luật Quảng cáo 2012.
Căn cứ khoản 1, 2, 4, 5 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012 quy định về biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh như sau:
- Biển hiệu phải có các nội dung sau:
+ Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
+ Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
+ Địa chỉ, điện thoại.
- Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật Quảng cáo 2012.
- Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
- Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo 2012 và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Căn cứ Điều 8 Luật quảng cáo 2012 quy định quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông đường bộ, an toàn xã hội là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 35 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
Các hoạt động khác trên đường bộ
...
2. Không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;
b) Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;
c) Thả rông súc vật trên đường bộ;
d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;
đ) Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;
e) Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;
g) Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;
h) Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;
i) Hành vi khác gây cản trở giao thông.
Theo đó, việc lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu là hành vi vi phạm pháp luật.
Sử dụng biển quảng cáo cửa hàng giống biển báo giao thông có bị phạt hay không? (Hình từ Internet)
Sử dụng biển quảng cáo cửa hàng giống biển báo giao thông thì bị phạt như thế nào?
Căn cứ điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ
...
5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
b) Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này;
...
Theo đó, hành vi cá nhân sử dụng các biển quảng cáo cửa hàng gây nhầm lẫn giống với biển báo giao thông thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Với cùng một hành vi vi phạm, đối với tổ chức thì mức phạt gấp đôi cá nhân là từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Treo biển quảng cáo, băng-rôn, đặt màn hình chuyên quảng cáo sai quy định thì bị phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 42 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Treo, dựng, đặt, gắn mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời không đúng vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
+ Không ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Quảng cáo vượt diện tích quy định của bảng quảng cáo, băng-rôn tại vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
+ Không tự tháo dỡ băng-rôn đã hết hạn ghi trong thông báo; không tự tháo dỡ bảng quảng cáo, băng-rôn rách, nát, mất mỹ quan.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Đặt biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo không đúng vị trí quy định trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính trị - xã hội;
+ Thể hiện lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa vượt quá diện tích theo quy định trên bảng quảng cáo, băng-rôn có nội dung tuyên truyền, cổ động chính trị, chính trị - xã hội;
+ Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn không tuân theo quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; che khuất đèn tín hiệu giao thông; chăng ngang qua đường giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng;
+ Sửa đổi làm sai lệch nội dung quảng cáo đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Thông báo không đúng về nội dung quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi thực hiện quảng cáo.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo sau đây:
+ Sử dụng âm thanh trên màn hình chuyên quảng cáo đặt ngoài trời;
+ Không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc bổ sung tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên mỗi bảng quảng cáo, băng-rôn đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 42 Nghị định 38/2021/NĐ-CP;
+ Buộc tháo dỡ quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1, các khoản 2, 3 và 4 Điều 42 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Như vậy, đối với các hành vi vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, màn hình chuyên quảng cáo thì tùy theo từng loại vi phạm mà mức phạt tiền là từ 1.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.