Sở y tế trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết có trách nhiệm như thế nào theo quy định?
Nội dung chính
Sở y tế trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết có trách nhiệm như thế nào theo quy định?
Theo Công văn 6517/BYT-DP năm 2020 về tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya, Zika thì Sở Y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm sau:
- Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố:
+ Chỉ đạo các cấp chính quyền tại địa phương, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phải xem công tác phòng chống dịch bệnh là thường trực, nhằm ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát của dịch bệnh. Huy động các ban, ngành, đoàn thể, vận động mọi người dân tham gia vào hoạt động phòng, chống dịch, coi đây là giải pháp cơ bản. Tiến hành xử phạt các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương theo đúng quy định.
+ Kiện toàn và duy trì ổn định mạng lưới cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết tại các xã, phường trọng điểm, bổ sung mạng lưới cộng tác viên tại những xã, phường nguy cơ cao. Bố trí kinh phí kịp thời nhằm đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị và kinh phí triển khai các hoạt động chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
- Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Chikungunya, Zika trên từng địa bàn cấp xã, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời. Xác định các ổ bọ gậy của từng xã để có biện pháp phòng chống phù hợp.
- Triển khai ngay chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có ổ dịch và khu vực nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Chỉ đạo địa phương tổ chức triển khai hàng tuần chiến dịch loại trừ ổ lăng quăng/bọ gậy tới tận thôn/ấp, xã/phường, đặc biệt tại khu vực đang ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết và khu vực có nguy cơ cao, thống kê báo cáo hàng tuần qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
- Tổ chức tập huấn và tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, giám sát bệnh nhân, giám sát véc tơ, kỹ thuật phun hóa chất, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế các tuyến và đội ngũ cộng tác viên.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
- Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các tháng cao điểm và tại các khu vực có nguy cơ cao.