Rằm tháng Giêng nên cúng ở nhà hay trên chùa?
Nội dung chính
Rằm tháng Giêng nên cúng ở nhà hay tại chùa?
Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, là dịp quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Nhiều người tin rằng vào ngày này, Đức Phật sẽ giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của Phật tử. Chính vì vậy, rất nhiều người chọn đến chùa để lễ Phật, cầu bình an, tài lộc cho gia đình. Câu nói "Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" cũng phản ánh tầm quan trọng của việc dâng lễ vào ngày này.
Tuy nhiên, không ít gia đình cũng chọn cúng tại nhà để thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên và lòng thành kính đối với Phật. Mâm cỗ mặn cúng gia tiên và mâm cỗ chay dâng Phật là truyền thống phổ biến trong các gia đình Việt. Việc cúng tại nhà cũng mang lại không gian ấm cúng, nơi các thành viên trong gia đình tụ họp và cầu nguyện cho một năm mới an lành.
Ngoài ra, một số người chọn kết hợp cả hai hình thức cúng lễ, cúng tại nhà để tưởng nhớ tổ tiên và lên chùa để cầu nguyện cho sự bình an.
Dù là cúng ở nhà hay tại chùa, quan trọng nhất vẫn là lòng thành kính và sự chuẩn bị chu đáo, giúp cho lễ cúng trở nên linh thiêng và mang lại phúc lành cho gia đình.
Rằm tháng Giêng nên cúng ở nhà hay trên chùa? (Hình từ Internet)
Văn khấn rằm tháng Giêng 2025 ở nhà và tại chùa
(1) Văn khấn rằm tháng Giêng ở nhà
Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần. Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại. Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng, năm Ất Tỵ (2025). Tín chủ con là: (Họ tên người khấn). Ngụ tại: ( Địa chỉ nhà ở). Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm…, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án. Cúi xin các Ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho gia đình chúng con được năm mới an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, công việc thuận lợi, gia đạo bình an, mọi sự hanh thông, vạn sự như ý. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì. Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! |
(2) Văn khấn rằm tháng Giêng tại chùa
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, chắp tay vái 3 vái) Con lạy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni! Con lạy Đức Phật Di Lặc Tôn Phật! Con lạy Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí! Con lạy Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát! Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm …, tín chủ con là (họ và tên), ngụ tại (địa chỉ nhà ở). Chúng con một lòng thành kính, dâng nén tâm hương cùng hoa quả, phẩm vật lên chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền. Nguyện cầu cho bản thân, gia đình và chúng sinh muôn loài được bình an, mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, tâm trí khai sáng, tránh xa điều ác, làm nhiều việc thiện, phước lành viên mãn. Nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mọi người trên thế gian đều được an vui, hạnh phúc. Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin chư Phật, chư Bồ Tát từ bi gia hộ. Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, chắp tay vái 3 vái) |
Rằm tháng Giêng 2025 người lao động có được nghỉ hưởng lương không?
Căn cứ khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ hằng tuần như sau:
Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Căn cứ theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định về các ngày nghỉ lễ, tết đối với người lao động như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
...
Như vậy, Rằm tháng Giêng 2025 người lao động không được nghỉ hưởng lương mà sẽ đi làm như bình thường tùy trường hợp có sự thỏa thuận khác với người sử dụng lao động.