Quyền đề cử lãnh đạo các cấp của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như thế nào?
Nội dung chính
Quyền đề cử lãnh đạo các cấp của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như thế nào?
Quyền đề cử lãnh đạo các cấp của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quy định tại Hướng dẫn 22HD/TWĐTN năm 2013 thực hiện Điều lệ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, cụ thể:
(1) Tại đại hội đoàn viên, tất cả đoàn viên đều có quyền đề cử đoàn viên để bầu vào ban chấp hành và bầu làm đại biểu đi dự đại hội đại biểu Đoàn cấp trên.
(2) Tại đại hội đại biểu, các đại biểu chính thức đều có quyền đề cử những đoàn viên là đại biểu và những đoàn viên không là đại biểu để bầu vào ban chấp hành (trường hợp đề cử cán bộ đoàn ngoài tuổi đoàn viên thì phải là đại biểu chính thức của đại hội) hoặc đề cử đại biểu chính thức vào danh sách bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên.
(3) Trường hợp bầu trực tiếp bí thư tại đại hội thì đại biểu chính thức có quyền:
- Đề cử ủy viên ban chấp hành để bầu làm bí thư (theo cách bầu thứ nhất tại khoản 3, mục I, phần thứ hai Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn)
- Đề cử đoàn viên là đại biểu hoặc không là đại biểu để bầu làm bí thư (theo cách bầu thứ hai tại khoản 3, mục I, phần thứ hai Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn).
(4) Các ủy viên ban chấp hành có quyền đề cử ủy viên ban chấp hành để bầu vào ban thường vụ (những nơi không có ban thường vụ thì đề cử để bầu bí thư, phó bí thư), đề cử ủy viên ban thường vụ để bầu làm bí thư, phó bí thư.
(5) Ban chấp hành cấp triệu tập đại hội có trách nhiệm báo cáo với đại hội về công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành khóa mới, được quyền giới thiệu danh sách để bầu vào ban chấp hành đoàn khóa mới và đoàn đại biểu dự đại hội đại biểu Đoàn cấp trên.
(6) Khi đề cử người vào danh sách bầu cử, người đề cử phải cung cấp trích ngang lý lịch của người được đề cử cho đại hội, hội nghị.