15:54 - 14/09/2024

Quy định về việc xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thanh tra như thế nào? Những trường hợp nào phải tiến hành dừng các cuộc thanh tra?

Quy định về việc xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thanh tra như thế nào? Sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra như thế nào?

Nội dung chính

    Quy định về việc xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thanh tra như thế nào?

    Tại Điều 68 Luật Thanh tra 2022 có quy định về xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thanh tra như sau:

    - Người tiến hành thanh tra phải áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền được quy định tại Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để chấm dứt hành vi vi phạm, kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; trong trường hợp vi phạm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì Trưởng đoàn thanh tra kiến nghị người ra quyết định thanh tra hoặc Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

    - Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì buộc chấm dứt hành vi vi phạm đó, xem xét áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, tiến hành xử phạt ngay theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không phải đợi kết luận thanh tra.

    - Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo để người ra quyết định thanh tra chuyển ngay hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan cùng với văn bản kiến nghị khởi tố cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết.

    Đoàn thanh tra tiếp tục thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã phê duyệt; người ra quyết định thanh tra ban hành kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật.

    Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thanh tra về kết quả giải quyết vụ việc; trường hợp hết thời hạn xem xét giải quyết kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mà cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố không nhận được thông báo bằng văn bản hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết thì trao đổi với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để làm rõ lý do, nếu vẫn không đồng ý thì kiến nghị với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân cấp trên xem xét, giải quyết và báo cáo cơ quan thanh tra cấp trên.

    - Đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị nghiêm cấm hoặc vi phạm nghĩa vụ của đối tượng thanh tra quy định tại Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    Quy định về việc xử lý vi phạm trong quá trình tiến hành thanh tra như thế nào? (Hình từ Internet)

    Sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra như thế nào?

    Tại Điều 69 Luật Thanh tra 2022 có quy định về sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra như sau:

    - Trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra theo đề nghị của Trưởng đoàn thanh tra hoặc theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

    - Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo nội dung sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra đến các thành viên Đoàn thanh tra.

    Những trường hợp nào phải tiến hành dừng các cuộc thanh tra?

    Tại Điều 70 Luật Thanh tra 2022 có quy định về những trường hợp phải tiến hành dừng các cuộc thanh tra như sau:

    - Người ra quyết định thanh tra quyết định tạm dừng cuộc thanh tra trong trường hợp sau đây:

    + Có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra;

    + Đối tượng thanh tra đề nghị tạm dừng cuộc thanh tra mà có lý do chính đáng và được người ra quyết định thanh tra đồng ý; trong trường hợp này, thời hạn tạm dừng cuộc thanh tra không quá 30 ngày.

    - Khi tạm dừng cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét hủy bỏ biện pháp đã áp dụng hoặc áp dụng biện pháp theo thẩm quyền nhưng phải bảo đảm không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

    - Người ra quyết định thanh tra quyết định tiếp tục cuộc thanh tra khi lý do của việc tạm dừng cuộc thanh tra không còn hoặc hết thời hạn tạm dừng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

    - Quyết định tạm dừng cuộc thanh tra, quyết định tiếp tục cuộc thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra.

    Những trường hợp nào phải đình chỉ cuộc điều tra?

    Tại Điều 71 Luật Thanh tra 2022 có quy định về những trường hợp phải đình chỉ cuộc điều tra như sau:

    - Người ra quyết định thanh tra ra quyết định đình chỉ cuộc thanh tra trong các trường hợp sau đây:

    + Đối tượng thanh tra là cá nhân đã chết; cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền và nghĩa vụ;

    + Nội dung thanh tra đã được cơ quan thanh tra cấp trên kết luận;

    + Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về cùng nội dung thanh tra;

    + Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có văn bản yêu cầu đình chỉ cuộc thanh tra;

    + Thuộc trường hợp chồng chéo, trùng lặp đã được xử lý theo quy định tại Điều 55 của Luật Thanh tra 2022.

    - Khi đình chỉ cuộc thanh tra, người tiến hành thanh tra có trách nhiệm hủy bỏ các biện pháp đã áp dụng theo thẩm quyền trong quá trình thanh tra.

    - Quyết định đình chỉ cuộc thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra.

    30
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ