17:18 - 23/11/2024

Quy định về khai báo tạm trú cho người nước ngoài như thế nào?

Quy định về khai báo tạm trú cho người nước ngoài như thế nào? Bên cạnh đó, pháp luật quy định về gia hạn tạm trú cho người nước ngoài ra sao?


Nội dung chính

    Quy định về khai báo tạm trú cho người nước ngoài như thế nào?

    Căn cứ Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014  được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2023 quy định về khai báo tạm trú như sau:

    - Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam để thực hiện khai báo tạm trú trước khi đồng ý cho người nước ngoài tạm trú. Trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú.

    - Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài thực hiện qua môi trường điện tử hoặc phiếu khai báo tạm trú.

    Trường hợp khai báo qua phiếu khai báo tạm trú, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào phiếu khai báo tạm trú và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.

    - Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú hoặc khi có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

    Quy định về khai báo tạm trú cho người nước ngoài như thế nào?

    Quy định về khai báo tạm trú cho người nước ngoài như thế nào? (Hình từ internet)

    Quy định về gia hạn tạm trú cho người nước ngoài như thế nào?

    Căn cứ Điều 35 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định về gia hạn tạm trú như sau:

    - Người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam có nhu cầu gia hạn tạm trú phải đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.

    - Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp gửi văn bản đề nghị gia hạn tạm trú kèm theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao đối với các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

    - Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét gia hạn tạm trú.

    Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

    Theo điểm đ khoản 4 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:

    Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
    4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
    a) Cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
    b) Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
    c) Làm giả, sử dụng sổ hộ khẩu giả, sổ tạm trú giả để đăng ký thường trú, tạm trú, cấp giấy tờ khác liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
    d) Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 09 người lưu trú trở lên;
    đ) Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật;
    e) Cản trở, không chấp hành việc kiểm tra thường trú, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

    Bên cạnh đó, quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền như sau:

    Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
    2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

    Theo quy định trên, cá nhân không khai báo tạm trú cho người nước ngoài sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Đối với tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

    10