Quy định mới về quỹ xã hội, quỹ từ thiện từ ngày 10/12/2024
Nội dung chính
Quỹ xã hội, quỹ từ thiện là gì?
Căn cứ khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 4 Nghị định 93/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định 136/2024/NĐ-CP) quy định như sau:
- “Quỹ xã hội”: Là quỹ được tổ chức, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cộng đồng.
- “Quỹ từ thiện”: Là quỹ được tổ chức, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm mục đích từ thiện, nhân đạo; hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội.
- “Không vì mục tiêu lợi nhuận”: Là không có mục tiêu chính tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận trong quá trình hoạt động không dùng để phân chia mà chỉ dùng cho các hoạt động theo điều lệ quỹ đã được công nhận.
Quy định mới về quỹ xã hội, quỹ từ thiện từ ngày 10/12/2024 (Hình từ Internet)
Tên của quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải đáp ứng những điều kiện gì theo quy định mới?
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 93/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a khoản 3 Điều 1 Nghị định 136/2024/NĐ-CP) tên của quỹ phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Quỹ phải có tên bằng tiếng Việt và có thể được dịch ra tiếng nước ngoài theo quy định của pháp luật và phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của quỹ;
- Không trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với tên của quỹ khác đã được đăng ký hợp pháp trước đó;
- Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
- Không gắn với tên riêng của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chức sắc tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng, các sáng lập viên thành lập quỹ, thành viên Hội đồng quản lý quỹ và người có quan hệ gia đình với sáng lập viên, thành viên Hội đồng quản lý quỹ;
- Không gây hiểu nhầm, dẫn đến mâu thuẫn, nguy cơ xung đột quan điểm, lợi ích giữa các tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam; không trái với quy định tại các điều ước, thỏa thuận, hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên; không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Biểu tượng của quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải đáp ứng những điều kiện gì theo quy định mới?
Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị định 136/2024/NĐ-CP biểu tượng của quỹ xã hội, quỹ từ thiện:
- Không được trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với biểu tượng của quỹ khác được đăng ký hợp pháp trước đó.
- Không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
- Không gây hiểu nhầm, dẫn đến mâu thuẫn, nguy cơ xung đột quan điểm, lợi ích giữa các tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam.
- Không trái với quy định tại các điều ước, thỏa thuận, hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.
- Không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Lưu ý: Biểu tượng của quỹ phải được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Quyền hạn và nghĩa vụ của quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định mới?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 93/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Nghị định 136/2024/NĐ-CP) quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của quỹ xã hội, quỹ từ thiện như sau:
(1) Quyền hạn của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
- Tổ chức, hoạt động theo pháp luật và điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
- Vận động quyên góp, tài trợ cho quỹ; tiếp nhận tài sản do các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước tài trợ, hiến, tặng hoặc bằng các hình thức khác theo đúng mục đích của quỹ và quy định của pháp luật. Tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo tồn và tăng trưởng tài sản quỹ;
- Thành lập, quản lý các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc quỹ theo quy định pháp luật và điều lệ quỹ để thực hiện các nhiệm vụ, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động của quỹ;
- Được quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật;
- Quỹ được phối hợp với cá nhân, tổ chức để vận động quyên góp, vận động tài trợ cho quỹ hoặc để triển khai các đề án, dự án cụ thể của quỹ theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với các địa phương, tổ chức, cá nhân cần sự trợ giúp để xây dựng và thực hiện các đề án tài trợ theo mục đích hoạt động của quỹ.
(2) Nghĩa vụ của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
- Quỹ hoạt động trong lĩnh vực nào thì phải chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước về ngành, lĩnh vực đó. Quỹ thực hiện việc tài trợ, hỗ trợ trong phạm vi hoạt động theo điều lệ, trừ trường hợp quỹ tham gia tài trợ, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, sự cố nghiệm trọng, khẩn cấp theo quy định pháp luật;
- Thực hiện tài trợ đúng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức đã ủy quyền phù hợp với mục đích của quỹ;
- Quỹ được thành lập từ các nguồn tài sản hiến, tặng hoặc theo hợp đồng ủy quyền, di chúc mà không tổ chức quyên góp và nhận tài trợ thì hàng năm phải dành tối thiểu 5% tổng số tài sản để tài trợ cho các chương trình, dự án phù hợp với mục đích hoạt động của quỹ;
- Lưu trữ và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, các chứng từ, tài liệu về tài sản, tài chính của quỹ, nghị quyết, biên bản về các hoạt động của quỹ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Sử dụng tài sản, tài chính tiết kiệm và hiệu quả theo đúng mục đích của quỹ; nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của pháp luật; phải đăng ký mã số thuế và kê khai thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
- Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân tài trợ và cộng đồng theo quy định của pháp luật. Có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ quỹ và báo cáo kết quả giải quyết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Hàng năm, quỹ có trách nhiệm công khai các khoản đóng góp trên phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 31 tháng 3;
- Khi thay đổi trụ sở chính hoặc Giám đốc quỹ, quỹ phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập quỹ;
- Hàng năm, quỹ phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và tài chính; báo cáo kiểm toán (nếu có) về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cùng cấp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 18 Nghị định 93/2019/NĐ-CP, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực hoạt động của quỹ và báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi quỹ đặt trụ sở trước ngày 31 tháng 3;
- Công bố về việc thành lập quỹ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 93/2019/NĐ-CP;
- Thực hiện các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến tổ chức, hoạt động của quỹ và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và điều lệ quỹ.
Lưu ý: Nghị định 136/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 93/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.