Quy định giải pháp xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững thế nào?
Nội dung chính
Giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản phát triên nông nghiệp và nông thôn bền vững
Căn cứ theo Tiểu mục 4 Mục IV Điều 1 Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 quy định về giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản phát triên nông nghiệp và nông thôn bền vững như sau:
- Với thị trường trong nước: Đổi mới hệ thống phân phối nông sản trong nước; kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các vùng chuyên canh, liên kết để đưa nông sản vào các hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong nước. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Hiện đại hóa hệ thống chợ phù hợp với tập quán và điều kiện cụ thể của từng địa phương, thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm. Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống trang thiết bị, kinh phí hoạt động để các tổ chức nông dân và hợp tác xã chủ động xây dựng được hệ thống kinh doanh bán lẻ tại các thị trường nội địa chính trong nước. Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có chính sách hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh phát triển thương mại điện tử, xây dựng các kênh phân phối, liên kết trực tiếp giữa vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm cuối cùng.
- Với thị trường xuất nhập khẩu: Chủ động phát huy cơ hội các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết để giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường. Không khuyến khích hình thức buôn bán tiểu ngạch qua biên giới, thúc đẩy kinh doanh chính ngạch; xây dựng các chuỗi vận tải hàng hóa kết nối trực tiếp bằng đường sắt và container đường biển. Các cơ quan chức năng chủ động phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp để giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế. Phân cấp và trao quyền để các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp chủ động tham gia, đảm bảo hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại. Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin hiệu quả, kịp thời để doanh nghiệp và người sản xuất chủ động thích nghi với những thay đổi về chính sách, các cam kết thương mại quốc tế. Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước.
- Xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản đáp ứng yêu cầu của ngành nông nghiệp hàng hóa hiện đại, quy mô lớn và bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Nâng cao năng lực dự báo, đánh giá, cảnh báo thông tin về thị trường các nông sản chủ lực, kịp thời cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân chủ động điều chỉnh sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thừa cung, ùn ứ hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng. Ứng dụng công nghệ số để giám sát nguồn cung chặt chẽ tại các vùng sản xuất nông nghiệp chính, đánh giá nhu cầu tại các thị nường chính trong và ngoài nước, giám sát lưu thông, tồn trữ hàng hóa vận chuyển tại các cửa khẩu giao dịch chính. Hỗ trợ năng lực tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ nông dân (xây dựng chỉ dẫn địa lý, thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền thương hiệu,...).
Quy định giải pháp xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững thế nào? (Hình từ internet)
Giải pháp xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
Theo Tiểu mục 5 Mục IV Điều này cũng quy định về giải pháp xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững như sau:
- Phát triển thủy lợi đa mục tiêu, ưu tiên các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, cây trồng cạn, vùng sản xuất công nghệ cao, gắn với xây dựng đồng ruộng. Tiếp tục xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu (phòng chống lũ, hạn, sói lỡ, nhiễm mặn,...); bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. Ứng dụng công nghệ quản lý và sử dụng nước hiệu quả để tưới tiết kiệm nước, quản lý khai thác nước ngầm, chuyển và trữ ở vùng thiếu nước sinh hoạt, tái sử dụng nước nuôi trồng thủy sản, chứa và cấp nước chữa cháy rừng. Tồn trữ nước trong mùa mưa và truyền dẫn nước đến vùng thiếu nước ngọt trong mùa khô ở ven biển, vùng núi cao.
- Phát triển hệ thống cảng cá, nâng cấp khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão, cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá kết hợp với cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến thủy sản. Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc cảnh báo thiên tai đến người dân trên cả nước và tàu thuyền hoạt động trên biển. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản trên bờ và trên biển, cơ sở sản xuất giống thủy hải sản tập trung cấp quốc gia, cấp vùng; hoạt động khảo nghiệm kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.
- Đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, đồng thời tạo tiền đề thu hút và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng; ưu tiên phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển nhằm phòng, chống, giảm nhẹ tác động tiêu cực của thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển hệ thống đường lâm nghiệp gắn kết vùng nguyên liệu quy mô, tập trung với nhà máy chế biến; giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị sản phẩm gỗ.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị đảm bảo năng lực cảnh báo, dự báo, khả năng chống chịu trước thiên tai. Nâng cấp trang thiết bị, công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng dụng công nghệ dự báo tiên tiến, ưu tiên công nghệ dự báo mưa định lượng, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Đầu tư củng cố, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai nhất là hệ thống đê điều, cống, đập ngăn lũ, ngăn mặn và triều cường. Xây dựng, củng cố hệ thống công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực xung yếu, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, ứng phó thiên tai để phục vụ sản xuất, dân sinh và các hoạt động kinh tế khác. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu (điện, đường, trường, trạm, viễn thông) cho những vùng khó khăn. Ưu tiên phát triển đường, điện cho vùng sản xuất tập trung.
- Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, giao thông kết nối các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với các đường tỉnh lộ hay quốc lộ kết nối không gian phát triển giữa các vùng, khu vực, địa phương để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ chuỗi lạnh, vận chuyển nông sản tươi sống, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhất là các kho dự trữ, bảo quản, kho lạnh, kho chứa lương thực, thực phẩm.
Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ công tác thú y, kiểm dịch thực vật đảm bảo an toàn thực phẩm. Phát triển các khu/cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh, trung tâm thu gom nông sản ở vùng sản xuất trung tâm cung ứng nông sản kết nối thị trường trong nước với quốc tế, hình thành hệ thống chợ đầu mối đa chức năng, sản giao dịch cho các nông sản chủ lực, xây dựng các trung tâm hậu cần biên mậu. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường (xử lý tái tạo nước thải, rác thải, tái sử dụng phế, phụ phẩm,…).
- Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật số phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông thôn. Phát triển nền tảng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử.