Quản lý chất lượng giống cây trồng có những yêu cầu chung nào?
Nội dung chính
Giống cây trồng được được hiểu như thế nào?
Căn cứ khoản 5 Điều 2 Luật Trồng trọt 2018 quy định giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.
Quản lý chất lượng giống cây trồng có những yêu cầu chung nào? (Hình từ internet)
Quản lý chất lượng giống cây trồng có những yêu cầu chung nào?
Căn cứ Điều 25 Luật Trồng trọt 2018 quy định về yêu cầu chung về quản lý chất lượng giống cây trồng như sau:
- Quản lý chất lượng giống cây trồng bao gồm quản lý chất lượng giống và quản lý chất lượng vật liệu nhân giống theo quy định của Luật Trồng trọt 2018 và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Chất lượng giống cây trồng được quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở đối với từng loài cây trồng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 và điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Trồng trọt 2018.
- Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng được quản lý như sau:
+ Vật liệu nhân giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng chính được quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng và tiêu chuẩn do người sản xuất, nhập khẩu công bố áp dụng
+ Vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng do tổ chức, cá nhân công bố áp dụng.
Quy định về nhập khẩu giống cây trồng như thế nào?
Căn cứ Điều 29 Luật Trồng trọt 2018 quy định về nhập khẩu giống cây trồng như sau:
- Giống cây trồng, hạt bố mẹ để sản xuất hạt lai của giống cây trồng đã được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành; hạt giống bố mẹ để sản xuất hạt lai phục vụ xuất khẩu được nhập khẩu và thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại, quản lý ngoại thương.
Trường hợp nhập khẩu phục vụ mục đích mua bán phải có hồ sơ, tài liệu đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 23 và khoản 1 Điều 26 Luật Trồng trọt 2018.
- Giống cây trồng chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành chỉ được nhập khẩu phục vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, quảng cáo, triển lãm, trao đổi quốc tế và phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép.
- Giống cây trồng nhập khẩu phục vụ sản xuất, mua bán phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng do cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện và đạt yêu cầu về chất lượng, trừ trường hợp sau đây:
+ Hạt bố mẹ để sản xuất hạt lai của giống cây trồng
+ Giống cây trồng chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều này
+ Giống cây trồng tạm nhập, tái xuất hoặc quá cảnh hoặc chuyển khẩu
+ Giống cây trồng gửi kho ngoại quan.
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng giống cây trồng nhập khẩu.
- Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép nhập khẩu giống cây trồng.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Căn cứ Điều 35 Luật Trồng trọt 2018 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng như sau:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng có quyền sản xuất, buôn bán giống cây trồng khi đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 22 Luật Trồng trọt 2018.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng có nghĩa vụ sau đây:
+ Thực hiện đầy đủ quy định tại Điều 22 Luật Trồng trọt 2018
+ Thực hiện công bố hợp chuẩn, hợp quy theo quy định của pháp luật
+ Thu hồi, xử lý giống cây trồng không bảo đảm chất lượng khi lưu thông trên thị trường
+ Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật
+ Cung cấp tài liệu minh chứng về nguồn gốc vật liệu nhân giống, tài liệu truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng
+ Thực hiện dán nhãn đối với giống cây trồng biến đổi gen theo quy định của pháp luật.