14:38 - 13/11/2024

Quan hệ giữa cha, mẹ, con công dân Việt Nam với công dân các nước ký kết hiệp định tương trợ tư pháp

Quan hệ giữa cha, mẹ, và con giữa công dân Việt Nam với công dân các nước ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam sẽ được giải quyết như thế nào?

Nội dung chính

    Quan hệ giữa cha, mẹ, con công dân Việt Nam với công dân các nước ký kết hiệp định tương trợ tư pháp

    Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam ký kết với các nước đều ghi nhận các quy phạm xung đột thống nhất điều chỉnh quan hệ giữa cha, mẹ và con có yếu tố nước ngoài. Khi nghiên cứu các quy phạm xung đột này, có thể nhìn thấy đa số các hiệp định đều sử dung nguyên tắc luật quốc tịch của người con để điểu chỉnh quan hệ giữa cha, mẹ và con. Có thể nói, đây là nguyên tắc chủ đạo điều chỉnh quan hệ này. Các hiệp định tương trợ tư pháp quy định: quan hệ pháp lý giữa cha, mẹ và con tuân theo pháp luật của nước ký kết mà người con là công dân (Điều 27 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Cu Ba; Điều 36 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Bungari; Điều 28 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Ba Lan...).

    Tuy nhiên do đặc thù của mỗi nước nên các hiệp định còn sử dụng một số nguyên tắc khác. Theo hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Nga, Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Ucraina, nguyên tắc luật quốc tịch của người con được coi là nguyên tắc bổ sung. Nếu cha hoặc mẹ thường trú trên lãnh thổ của nước ký kết này, còn con thường trú trên lãnh thổ nước ký kết kia thì quan hệ pháp lý giữa họ được xác định theo pháp luật của nước ký kết mà người con là công dân (khoản 2 Điều 27 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Ucraina). Trong Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Hungari còn quy định bổ sung, nếu người con là công dân của nước ký kết này nhưng cư trú trên lãnh thổ của nước ký kết kia thì áp dụng pháp luật của nước ký kết nào xét ra có lợi nhất cho người con (khoản 2 Điều 36).

    Các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Nga, Ucraina, Lào, Mông Cổ lại sử dụng luật nơi cư trú chung của đương sự. Theo đó, quan hệ pháp lý giữa cha, mẹ và con được xác định theo pháp luật của bên ký kết nơi họ cùng cư trú hoặc thường trú (Điều 28 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Liên Bang Nga, Điều 27 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Ucraina, Điều 29 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Lào, Điều 28 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Mông Cổ) nhưng có sự khác biệt về nguyên tắc bổ sung. Theo Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Nga, Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Ucraina, nếu một người trong cha, mẹ và con thường trú trên lãnh thổ của nước ký kết kia thì áp dụng pháp luật của nước mà người con là công dân; còn trong Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Lào và Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam - Mông Cổ, vấn đề này cũng được giải quyết bằng áp dụng pháp luật nước mà người con cư trú.

    5