Quá cảnh hàng hoá là gì? Có phải chịu thuế nhập khẩu?
Nội dung chính
Quá cảnh hàng hoá là gì?
Căn cứ theo Điều 241 Luật Thương mại 2005, định nghĩa về việc quá cảnh hàng hóa như sau:
Quá cảnh hàng hóa
Quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh.
Như vậy, có thể hiểu đơn giản rằng quá cảnh hàng hoá là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ của một quốc gia khác. Trong quá trình này, hàng hóa có thể được trung chuyển, chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, hoặc thay đổi phương thức vận tải
Bên cạnh đó, thì căn cứ tại Điều 35 Nghị định 69/2018/NĐ-CP về quy định chung về quá cảnh hàng hóa cụ thể như sau:
- Quá cảnh hàng hóa
+ Đối với hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép quá cảnh.
+ Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật, Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa.
+ Đối với hàng hóa không thuộc quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, thủ tục quá cảnh thực hiện tại cơ quan hải quan.
- Trung chuyển hàng hóa
Trường hợp hàng hóa quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Nghị định 69/2018/NĐ-CP vận chuyển bằng đường biển từ nước ngoài vào khu vực trung chuyển tại cảng biển, sau đó được đưa ra nước ngoài từ chính khu vực trung chuyển này hoặc đưa đến khu vực trung chuyển tại bến cảng, cảng biển khác để đưa ra nước ngoài, thủ tục trung chuyển thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, không phải có giấy phép của Bộ Công Thương.
- Đối với các Hiệp định quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam ký giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
- Việc vận chuyển hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa có độ nguy hiểm cao quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về vận chuyển hàng nguy hiểm và các Điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Chủ hàng quá cảnh phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác áp dụng cho hàng hóa quá cảnh theo quy định hiện hành của Việt Nam.
Quá cảnh hàng hoá là gì? Có phải chịu thuế nhập khẩu? (Hình từ Internet)
Hàng hóa quá cảnh có phải chịu thuế nhập khẩu?
Hiện nay, hàng quá cảnh không chịu thuế nhập khẩu, không chịu thuế VAT. (khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC) Trừ trường hợp phát sinh tiền thuế hải quan phải nộp hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS Điều 30 Nghị định 46/2020/NĐ-CP như sau:
- Hàng hóa di chuyển bất hợp pháp khỏi thủ tục quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS quy định tại khoản 15 Điều 3 Nghị định 46/2020/NĐ-CP hoặc sau 30 ngày mà cơ quan hải quan điểm đi không nhận được hồ sơ, chứng từ của người khai hải quan hoặc của các cơ quan hải quan trong hành trình quá cảnh chứng minh hoạt động quá cảnh đã được hoàn thành thủ tục hải quan thông qua Hệ thống ACTS quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 46/2020/NĐ-CP;
- Hàng hóa quá cảnh chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi về số lượng, trị giá, xuất xứ, mã số hàng hóa so với khai báo và các trường hợp khác làm phát sinh số thuế phải nộp.
Như vậy, hàng quá cảnh không phải chịu thuế.
Hoạt động quá cảnh hàng hóa phải đảm bảo những nguyên tắc như thế nào?
Nguyên tắc quản lý hoạt động quá cảnh hàng hóa được quy định tại Điều 45 Luật Quản lý ngoại thương 2017 như sau:
- Hàng hóa quá cảnh khi xuất khẩu phải là toàn bộ hàng hóa đã nhập khẩu.
- Việc tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa hoặc tự mình thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam, thuê thương nhân nước ngoài thực hiện quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam được thực hiện:
+ Theo quy định của pháp luật về thương mại, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
+ Phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh, giao thông, vận tải.
- Quá cảnh hàng hóa bằng đường hàng không được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế về hàng không mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan trong toàn bộ thời gian quá cảnh, vào và ra theo đúng cửa khẩu đã quy định.
- Hàng hóa quá cảnh khi được tiêu thụ nội địa phải thực hiện theo quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Luật Quản lý ngoại thương 2017 và quy định khác của pháp luật có liên quan.