Phụ cấp độc hại đối với nhân viên thư viện trường học
Nội dung chính
Phụ cấp độc hại đối với nhân viên thư viện trường học
Câu hỏi: Bà Nguyễn Thị Thu Hằng hiện là nhân viên thư viện của trường tiểu học. Qua tham khảo Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ; Công văn số 3426/BNV–TL ngày 23/11/2005 của Bộ Nội vụ; Hướng dẫn số 3915/HD-BVHTT ngày 28/9/2006 của Bộ Văn hóa – Thông tin; Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bà Hằng cho rằng, trường hợp bà làm công tác thư viện ở trường học được hưởng ở phụ cấp nguy hiểm độc hại ở mức 2, hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu và được hưởng mức 2 là 15.000 đồng/ngày đối với chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật.
Bà Hằng hỏi, bà hiểu như vậy có đúng không? Nếu đúng thì bà cần thực hiện thủ tục gì để được hưởng chế độ?
Theo Điều 9 Chương V Quyết định 01/2003/QĐ–BGD&ĐT ngày 2/1/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cán bộ thư viện trường học không phải là giáo viên, nhưng được đào tạo nghiệp vụ thư viện thì được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành Văn hóa – Thông tin quy định.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Theo Điều 9 của Quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 2/1/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhân viên làm việc trong thư viện trường học đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt quy định về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông (ban hành kèm theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT) được hưởng lương và các chế độ phụ cấp như ngành Văn hoá - Thông tin quy định.
Các chế độ phụ cấp ngành Văn hoá - Thông tin quy định tại Mục II, Mục III và Mục IV Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21/2/2006 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hoá - thông tin.
Theo đó, mức 2 (Hệ số 0,2 so với lương tối thiểu) áp dụng đối với những người trực tiếp làm các công việc sau: Kiểm kê, bảo quản, xử lý kỹ thuật các hiện vật, tài liệu, sách báo, phim ảnh trong kho lưu trữ của bảo tàng, thư viện và viện lưu trữ; tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật của thư viện, viện lưu trữ và bảo tàng.
Cách tính và chi trả phụ cấp
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm, nếu làm việc dưới 4 giờ hàng ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 tiếng trở lên thì được tính cả ngày làm việc.
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm như sau:
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm của cơ quan, đơn vị.
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm cho các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ tài chính do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.
Chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm quy định tại Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT được tính hưởng kể từ ngày 1/10/2004 và căn cứ theo đúng mức lương tối thiểu (nay là mức lương cơ sở) trong từng thời kỳ.