13:55 - 07/11/2024

Phòng hát karaoke phải có bao nhiêu lối thoát nạn?

Phòng hát karaoke phải có bao nhiêu lối thoát nạn?  Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh karaoke bao gồm những gì?

Nội dung chính

    Phòng hát karaoke phải có bao nhiêu lối thoát nạn?

    Căn cứ Khoản 3 Điều 6 Thông tư 147/2020/TT-BCA có quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải thiết kế về phòng cháy và chữa cháy bảo đảm quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, k, l và điểm m khoản 2 Điều này và các quy định của QCVN 06:2020/BXD, cụ thể như sau:

    a) Khoảng cách từ đường giao thông có chiều rộng không nhỏ hơn 3,5 m, chiều cao không nhỏ hơn 4,5 m cho xe chữa cháy tiếp cận đến điểm bất kỳ trên hình chiếu bằng của nhà không lớn hơn 60 m;

    b) Mỗi tầng của nhà phải có ít nhất 02 lối thoát nạn. Các gian phòng có diện tích lớn hơn 50 m2 phải có ít nhất 02 lối thoát nạn. Cho phép mồi tầng có 01 lối thoát nạn khi số lượng người có mặt đồng thời trên tầng không quá 20 người và khi lối thoát nạn đi vào buồng thang bộ không nhiễm khói có cửa đi ngăn cháy có giới hạn chịu lửa EI 30;

    Chiều cao thông thủy của cửa phòng phải không được nhỏ hơn 1,9 m; chiều rộng thông thủy của cửa các gian phòng phải không nhỏ hơn 1,2 m khi có diện tích lớn hơn 50 m2 và không nhỏ hơn 0,8 m khi có diện tích đến 50 m2. Cửa của các phòng kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường phải mở theo chiều thoát nạn;

    c) Chiều cao thông thủy của hành lang thoát nạn phải không nhỏ hơn 2 m; chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn 1,2 m khi diện tích kinh doanh trên một tầng lớn hơn 50 m2 và không nhỏ hơn 1 m cho trường hợp còn lại;

    d) Thang bộ dùng để thoát nạn có thể là loại 1, loại 2, loại 3, buồng thang không nhiễm khói loại N1, N2, N3. Chiều rộng của bản thang dùng để thoát người không được nhỏ hơn chiều rộng tính toán hoặc chiều rộng của bất kỹ lối ra thoát nạn (cửa đi) nào trên nó, đồng thời không được nhỏ hơn 0,9 m; độ dốc (góc nghiêng) của các thang trên các đường thoát nạn không được lớn hơn 1:1 (45°); chiều rộng mặt bậc không được nhỏ hơn 25 cm, còn chiều cao bậc không được lớn hơn 22 cm;

    đ) Thiết kế hệ thống hút khói cho các khu vực như sau: hành lang của tầng hầm, tầng nửa hầm không có thông gió tự nhiên mà hành lang này dẫn vào các khu vực thường xuyên có người; các gian phòng kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường diện tích từ 50 m2 trở lên.

    Như vậy, theo quy định như trên, nếu phòng hát karaoke của cơ sở bạn có diện tích lớn hơn 50 m2 phải có ít nhất 02 lối thoát nạn. Trong trường hợp nhỏ hơn 50 m2 thì chỉ cần 01 lối thoát nạn.

    Hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh karaoke bao gồm những gì?  

    Tại Khoản 4 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP có quy định về hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy như sau:

    a) Đối với đồ án quy hoạch xây dựng: Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức lập quy hoạch (Mẫu số PC06); các tài liệu và bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đối với khu công nghiệp quy mô trên 20 ha, tỷ lệ 1/500 đối với các trường hợp còn lại thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 10 Nghị định này;

    b) Đối với chấp thuận địa điểm xây dựng trước khi tiến hành thiết kế các công trình độc lập có nguy hiểm cháy, nổ quy định tại các mục 15 và 16 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này (trừ trạm cấp xăng dầu nội bộ và cơ sở sử dụng khí đốt): Văn bản đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình; bản vẽ, tài liệu thể hiện rõ hiện trạng địa hình của khu đất có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy như bậc chịu lửa của công trình, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các công trình xung quanh, hướng gió, cao độ công trình;

    c) Đối với thiết kế cơ sở của dự án, công trình: Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật; Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công; văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác; Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở thể hiện những nội dung yêu cầu về giải pháp phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định này;

    d) Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình: Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật; văn bản góp ý thiết kế cơ sở về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (nếu có); Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công; văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp đối với dự án, công trình sử dụng vốn khác; Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; dự toán xây dựng công trình; bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định này; bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế, bản vẽ được đóng dấu thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy (đối với hồ sơ thiết kế cải tạo, điều chỉnh); văn bản thẩm định thiết kế xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng (nếu có);

    đ) Đối với thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy: Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện (Mẫu số PC06), trường hợp chủ đầu tư, chủ phương tiện ủy quyền cho đơn vị khác thì phải có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật; Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của đơn vị tư vấn thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; dự toán tổng mức đầu tư phương tiện; bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại điểm b và điểm c khoản 1, điểm b, c, d và điểm e khoản 3 Điều 8 Nghị định này;

    e) Văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc bản sao hoặc bản chụp kèm theo bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu. Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế phải có xác nhận của chủ đầu tư hoặc chủ phương tiện. Hồ sơ nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt và chủ đầu tư, chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm về nội dung của bản dịch đó.

    Theo đó, để được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh karaoke, bạn cần chuẩn bị các hồ sơ theo quy định như trên.

    302
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ