Thứ 6, Ngày 01/11/2024
10:33 - 30/09/2024

Phân loại công trình thủy lợi

Hiện tại tôi đang tìm hiểu về quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy lợi. Tôi được biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành quy định mới về vấn đề này. Tôi có thắc mắc cần Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cho tôi hỏi, theo quy định mới thì việc phân loại công trình thủy lợi được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào?

Nội dung chính

    Theo quy định từ Điều 4 Nghị định 67/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy lợi cớ hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 thì việc phân loại công trình thủy lợi được quy định cụ thể như sau:

    Loại công trình thủy lợi quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Thủy lợi được phân loại cụ thể như sau:

    1. Đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Đập có chiều cao từ 100 m trở lên hoặc đập của hồ chứa nước quy định tại điểm b, điểm c Khoản này;

    b) Hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 1.000.000.000 m3 trở lên;

    c) Hồ chứa nước có dung tích từ 500.000.000 m3 đến dưới 1.000.000.000 m3 mà vùng hạ du đập bị ảnh hưởng là thành phố, thị xã hoặc có công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia;

    d) Danh mục đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

    2. Đập, hồ chứa nước lớn thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Đập có chiều cao từ 15 m đến dưới 100 m hoặc đập của hồ chứa nước quy định tại điểm c Khoản này;

    b) Đập có chiều cao từ 10 m đến dưới 15 m và chiều dài đập từ 500 m trở lên hoặc đập có chiều cao từ 10 m đến dưới 15 m và có lưu lượng tràn xả lũ thiết kế trên 2.000 m3/s;

    c) Hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 3.000.000 m3 đến dưới 1.000.000.000 m3, trừ hồ chứa quy định tại điểm c Khoản 1 Điều này.

    3. Đập, hồ chứa nước vừa thuộc một trong các trường hợp sau:

    a) Đập có chiều cao từ 10 m đến dưới 15 m hoặc đập của hồ chứa nước quy định tại điểm b Khoản này, trừ đập quy định tại điểm b Khoản 2 Điều này;

    b) Hồ chứa nước có dung tích toàn bộ từ 500.000 m3 đến dưới 3.000.000 m3.

    4. Đập, hồ chứa nước nhỏ là đập có chiều cao dưới 10 m hoặc hồ chứa nước có dung tích toàn bộ dưới 500.000 m3.

    5. Trạm bơm:

    a) Trạm bơm lớn là trạm bơm có tổng lưu lượng từ 72.000 m3/h trở lên;

    b) Trạm bơm vừa là trạm bơm có tổng lưu lượng từ 3.600 m3/h đến dưới 72.000 m3/h hoặc trạm bơm nhỏ nhưng có công suất động cơ mỗi tổ máy từ 150 KW trở lên;

    c) Trạm bơm nhỏ là trạm bơm có tổng lưu lượng dưới 3.600 m3/h.

    6. Cống:

    a) Cống lớn là cống có tổng chiều rộng thoát nước:

    Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 30 m trở lên;

    Đối với vùng còn lại từ 20 m trở lên.

    b) Cống vừa là cống có tổng chiều rộng thoát nước:

    Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 10 m đến dưới 30 m;

    Đối với các vùng còn lại từ 5 m đến dưới 20 m.

    c) Cống nhỏ là cống có tổng chiều rộng thoát nước:

    Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới 10 m;

    Đối với các vùng còn lại dưới 5 m.

    7. Hệ thống dẫn, chuyển nước:

    a) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng lớn là công trình có các thông số:

    Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ 100 m3/s trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 50 m trở lên;

    Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 50 m3/s trở lên hoặc có chiều rộng đáy kênh từ 25 m trở lên.

    b) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng vừa là công trình có thông số:

    Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng từ 10 m3/s đến dưới 100 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 10 m đến dưới 50 m;

    Đối với các vùng khác có lưu lượng từ 5 m3/s đến dưới 50 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh từ 5 m đến dưới 25 m.

    c) Kênh, mương, rạch, tuynel, xi phông, cầu máng nhỏ là công trình có các thông số:

    Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long có lưu lượng dưới 10 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 10 m;

    Đối với các vùng khác có lưu lượng dưới 5 m3/s hoặc chiều rộng đáy kênh dưới 5 m.

    8. Đường ống:

    a) Đường ống lớn là đường ống dẫn lưu lượng từ 3 m3/s trở lên hoặc có đường kính trong từ 1500 mm trở lên;

    b) Đường ống vừa là đường ống dẫn lưu lượng từ 0,25 m3/s đến dưới 3 m3/s hoặc có đường kính trong từ 500 mm đến dưới 1500 mm;

    c) Đường ống nhỏ là đường ống dẫn lưu lượng dưới 0,25 m3/s hoặc có đường kính trong dưới 500 mm.

    9. Bờ bao thủy lợi:

    a) Bờ bao lớn là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện tích từ 10.000 ha trở lên;

    b) Bờ bao vừa là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện tích từ 500 ha đến dưới 10.000 ha;

    c) Bờ bao nhỏ là bờ bao bảo vệ cho khu vực có diện tích dưới 500 ha.

    10. Hệ thống công trình thủy lợi:

    a) Hệ thống công trình thủy lợi lớn là hệ thống có nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát nước cho diện tích tự nhiên từ 20.000 ha trở lên;

    b) Hệ thống công trình thủy lợi vừa là hệ thống có nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát nước cho diện tích tự nhiên từ 2.000 ha đến dưới 20.000 ha;

    c) Hệ thống công trình thủy lợi nhỏ là hệ thống có nhiệm vụ tưới cho diện tích đất canh tác hoặc tiêu, thoát cho diện tích tự nhiên dưới 2.000 ha.

    11. Căn cứ quy mô, nhiệm vụ, tầm quan trọng, mức độ rủi ro vùng hạ du, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đập, hồ chứa nước trên địa bàn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung danh mục đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt.

    Trên đây là nội dung tư vấn về việc phân loại công trình thủy lợi. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 67/2018/NĐ-CP.

    Trân trọng!