Nội dung biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông phải có những thông tin như thế nào?
Nội dung chính
Nội dung biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông phải có những thông tin gì?
Căn cứ tại khoản 5 Điều 9 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định như sau:
Nội dung biên bản khám nghiệm phải ghi thời gian bắt đầu và kết thúc việc khám nghiệm, địa điểm, thành phần tham gia khám nghiệm; tình trạng hiện trường trước khi khám nghiệm, điều kiện thời tiết, ánh sáng khi tiến hành khám nghiệm, quá trình khám nghiệm; cụ thể như sau:
- Mô tả hiện trường chung như:
+ Vị trí tai nạn xảy ra trên đường một chiều hay đường hai chiều; đường có dải phân cách loại gì.
+ Chiều rộng mặt đường, lề đường.
+ Hệ thống báo hiệu đường bộ; rào chắn, tường hộ lan loại gì, chướng ngại vật trên đường.
+ Đặc điểm, hình dạng đoạn đường (bằng phẳng hay dốc, thẳng hay cong, tầm nhìn bị che khuất hay không bị che khuất).
+ Mặt đường làm bằng bê tông xi măng, nhựa, đá răm, hay đất; tình trạng mặt đường (phẳng, nhẵn, nứt vỡ, trơn trượt).
- Ghi nhận việc đánh số thứ tự vị trí của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết.
- Ghi nhận việc xác định vật chuẩn (điểm làm mốc), mép đường chuẩn, chiều hướng khám nghiệm hiện trường.
- Mô tả vị trí đặc điểm của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết trên hiện trường theo số thứ tự như đã đánh dấu trên hiện trường.
- Ghi cụ thể số lượng tang vật, phương tiện, dấu vết đã phát hiện, thu lượm bảo quản và các mẫu so sánh.
- Ghi nhận quá trình sử dụng thiết bị điện tử máy lập mô hình hiện trường chuyên dụng để đo vị trí đặc điểm của nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết trên hiện trường, vẽ hiện trường hoặc chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có).
Nội dung biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông phải có những thông tin như thế nào?
Việc khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông được tiến hành như thế nào?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 9 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định việc khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông được tiến hành như sau:
Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo mẫu số 05/TNĐB ban hành theo Thông tư 63/2020/TT-BCA và vẽ Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo mẫu số 06/TNĐB ban hành theo Thông tư 63/2020/TT-BCA; sơ đồ hiện trường phải đồng nhất với biên bản khám nghiệm hiện trường.
Việc khám nghiệm hiện trường cụ thể như sau:
- Quan sát toàn bộ khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông để xác định vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông ở hiện trường.
- Căn cứ chiều hướng khám nghiệm, điểm làm mốc ở hiện trường để đánh dấu theo số tự nhiên thứ tự vị trí của tất cả các nạn nhân, tang vật, phương tiện và dấu vết có liên quan đến vụ tai nạn giao thông.
- Chụp ảnh hiện trường bao gồm: Ảnh hiện trường chung, hiện trường từng phần, quay camera (nếu có); chụp ảnh nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết có liên quan và phải đặt thước tỷ lệ. Việc chụp ảnh hiện trường phải được lập thành Bản ảnh hiện trường, sắp xếp ảnh theo thứ tự, có chú thích ảnh.
- Đo và vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông: Sử dụng thống nhất kí hiệu và đơn vị đo; thể hiện đầy đủ tổ chức giao thông (hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, vòng xuyến, đèn tín hiệu và các hệ thống báo hiệu khác có liên quan) nơi xảy ra tai nạn; phần chú dẫn phải thể hiện tỷ lệ vẽ, dấu vết, ký hiệu trên sơ đồ hiện trường.
- Thu lượm tang vật, phương tiện, dấu vết để bảo quản và lấy mẫu so sánh đúng quy định của pháp luật. Những dấu vết dễ bị thay đổi hoặc biến dạng phải được thu lượm bảo quản ngay như: Vết máu, lông, tóc, sợi, xăng, dầu, các dấu vết hóa học hữu cơ khác.
Hành vi không cứu người gặp tai nạn giao thông là hành vi bị nghiêm cấm đúng không?
Theo Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019) quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau:
- Phá hoại đường, cầu, hầm, bến phà đường bộ, đèn tín hiệu, cọc tiêu, biển báo hiệu, gương cầu, dải phân cách, hệ thống thoát nước và các công trình, thiết bị khác thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
- Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính;
Lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.
- Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.
- Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.
- Thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để tạm thời đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của xe khi đi kiểm định.
- Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.
- Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.
- Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
- Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.
Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.
- Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.
- Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu.
- Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
- Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.
- Vận chuyển hàng cấm lưu thông, vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm, động vật hoang dã.
- Đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; chuyển tải, xuống khách hoặc các hành vi khác nhằm trốn tránh phát hiện xe chở quá tải, quá số người quy định.
- Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
- Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.
- Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông.
- Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn.
- Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
- Sản xuất, sử dụng trái phép hoặc mua, bán biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
- Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Theo như quy định trên thì nếu như có điều kiện mà lại không cứu giúp người khi tai nạn giao thông là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.