09:26 - 09/11/2024

Nhiệm vụ của thuyền trưởng trên tàu biển Việt Nam khi tàu vào, rời cảng, neo đậu

Nhiệm vụ của thuyền trưởng trên tàu biển Việt Nam khi tàu vào, rời cảng, neo đậu được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi đang tìm hiểu về nhiệm vụ của thuyền trưởng trên tàu biển Việt Nam. Theo như tôi biết thì thuyền trưởng là người có quyền chỉ huy cao nhất trên tàu. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi nhiệm vụ của thuyền trưởng trên tàu biển Việt Nam khi tàu vào, rời cảng, neo đậu được quy định như thế nào? Vấn đề này được quy định cụ thể tại văn bản nào?

Nội dung chính

    Nhiệm vụ của thuyền trưởng trên tàu biển Việt Nam khi tàu vào, rời cảng, neo đậu

    Nhiệm vụ của thuyền trưởng trên tàu biển Việt Nam khi tàu vào, rời cảng, neo đậu được quy định tại Khoản 10 Điều 4 Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành có hiệu lực từ ngày 15/09/2017, theo đó: 

    a) Khi tàu hoạt động trong lãnh hải hoặc neo đậu ở cảng và các khu vực neo đậu tại Việt Nam hoặc nước ngoài, thuyền trưởng phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và pháp luật của nước đó;

    b) Trước và trong khi làm thủ tục tàu đến, trong và sau khi làm thủ tục tàu rời cảng, không được cho thuyền viên của tàu giao tiếp với người khác, trừ các trường hợp thật cần thiết;

    c) Trường hợp xảy ra tranh chấp có liên quan đến tàu hoặc thuyền viên bị bắt giữ, thuyền trưởng phải kịp thời lập kháng nghị hàng hải và phải báo cáo ngay cho cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước đó và chủ tàu hoặc người quản lý tàu, người khai thác biết để có biện pháp can thiệp;

    d) Khi tàu đậu trong cảng, thuyền trưởng phải tổ chức áp dụng các biện pháp để duy trì công tác bảo đảm an toàn lao động, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường phòng cháy, chữa cháy nhằm đảm bảo an toàn cho người, tàu và hàng hóa;

    đ) Khi tàu hành trình ở những khu vực chưa quen biết hoặc tầm nhìn xa bị hạn chế hay gần khu vực có nhiều vật chướng ngại, nếu thấy cần thiết, thuyền trưởng yêu cầu các sỹ quan khác phải có mặt ở vị trí để thực hiện nhiệm vụ;

    e) Phải có mặt ở buồng lái khi điều động tàu thuyền ra, vào cảng hoặc cập, rời cầu cảng, khu neo đậu. Khi tàu neo đậu ở các khu vực mà các điều kiện an toàn hàng hải không đảm bảo, thuyền trưởng phải thường xuyên có mặt ở tàu. Nếu phải vắng mặt trên tàu thì yêu cầu đại phó ở lại tàu để thay mặt mình xử lý kịp thời những tình huống có thể xảy ra;

    g) Trước khi thuyền trưởng vắng mặt trên tàu phải có chỉ thị cụ thể công việc cho đại phó hay sỹ quan trực ca boong ở lại tàu; đối với những việc quan trọng phải được ghi rõ trong nhật ký hàng hải và thông báo cho sỹ quan trực ca boong biết địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của mình trong thời gian vắng mặt trên tàu;

    h) Hàng ngày phải kiểm tra và ký xác nhận nội dung các loại nhật ký theo quy định;

    i) Kết thúc mỗi chuyến đi, thuyền trưởng phải lập báo cáo gửi chủ tàu, hoặc người quản lý tàu, người khai thác tàu về tình hình chuyến đi và kết quả việc thực hiện kế hoạch khai thác tàu.

    Trên đây là tư vấn về nhiệm vụ của thuyền trưởng trên tàu biển Việt Nam khi tàu vào, rời cảng, neo đậu. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo tại Thông tư 23/2017/TT-BGTVT.

    6