Môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh có phải là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp không?
Nội dung chính
Môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh có phải là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp không?
Căn cứ Điều 2 Thông tư 10/2018/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Vị trí môn học trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng
Môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học điều kiện, bắt buộc thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Như vậy, môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học điều kiện, bắt buộc trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp.
Môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh có phải là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp không? (Hình từ internet)
Sinh viên trung cấp có điểm trung bình bao nhiêu thì được cấp chứng chỉ Giáo dục quốc phòng và an ninh?
Căn cứ theo Điều 10 Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH quy định về điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ Giáo dục quốc phòng và an ninh như sau:
Điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ GDQP&AN
1. Sinh viên có điểm trung bình chung môn học đạt từ 5 điểm trở lên (theo thang điểm 10) được cấp chứng chỉ GDQP&AN.
2. Thẩm quyền cấp chứng chỉ GDQP&AN:
a) Giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục được tổ chức dạy, học GDQP&AN thì có thẩm quyền cấp chứng chỉ GDQP&AN;
b) Giám đốc trung tâm GDQP&AN cấp chứng chỉ GDQP&AN theo quy định về liên kết GDQP&AN.
3. Việc in, quản lý, cấp phát chứng chỉ GDQP&AN thực hiện theo quy định hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học ban hành.
Như vậy, theo quy định nêu trên sinh viên có điểm trung bình chung môn học đạt từ 5 điểm trở lên (theo thang điểm 10) thì được cấp chứng chỉ Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục được tổ chức dạy, học Giáo dục quốc phòng và an ninh hoặc Giám đốc trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh có thẩm quyền cấp chứng chỉ Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Sinh viên được miễn học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường hợp nào?
Đối tượng được miễn học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH như sau:
Đối tượng được miễn, tạm hoãn học môn học GDQP&AN
1. Đối tượng được miễn học môn học GDQP&AN:
a) Học sinh, sinh viên có giấy chứng nhận sĩ quan dự bị hoặc bằng tốt nghiệp do các trường quân đội, công an cấp;
b) Học sinh, sinh viên đã có chứng chỉ GDQP&AN tương ứng với trình độ đào tạo;
c) Học sinh, sinh viên là người nước ngoài.
2. Đối tượng được miễn học, miễn thi học phần, nội dung trong chương trình GDQP&AN, gồm: học sinh, sinh viên có giấy xác nhận kết quả học tập các học phần, nội dung đó đạt từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10.
3. Đối tượng được miễn học, các nội dung thực hành kỹ năng quân sự:
a) Học sinh, sinh viên là người khuyết tật, có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
b) Học sinh, sinh viên không đủ sức khỏe về thể lực hoặc mắc những bệnh lý thuộc diện miễn làm nghĩa vụ quân sự theo quy định hiện hành;
c) Học sinh, sinh viên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an nhân dân.
4. Đối tượng được tạm hoãn học môn học GDQP&AN:
a) Học sinh, sinh viên vì lý do sức khỏe phải dừng học trong thời gian dài để điều trị, phải có giấy xác nhận của bệnh viện nơi học sinh, sinh viên điều trị;
b) Học sinh, sinh viên là nữ đang mang thai hoặc trong thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định hiện hành.
...
Như vậy, sinh viên được miễn học môn Giáo dục quốc phòng an ninh trong trường hợp:
- Sinh viên có giấy chứng nhận sĩ quan dự bị hoặc bằng tốt nghiệp do các trường quân đội, công an cấp;
- Sinh viên đã có chứng chỉ Giáo dục quốc phòng và an ninh tương ứng với trình độ đào tạo;
- Sinh viên là người nước ngoài.
Mục tiêu môn học Giáo dục quốc phòng an ninh là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH thì mục tiêu môn học Giáo dục quốc phòng an ninh là trang bị cho học sinh, sinh viên:
(1) Những hiểu biết cơ bản về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quốc phòng và an ninh;
(2) Truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân;
(3) Có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.