Thông tư 23/2017/TT-BGTVT quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 23/2017/TT-BGTVT
Ngày ban hành 28/07/2017
Ngày có hiệu lực 15/09/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Trương Quang Nghĩa
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2017/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ CHỨC DANH, NHIỆM VỤ THEO CHỨC DANH CỦA THUYỀN VIÊN VÀ ĐĂNG KÝ THUYỀN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN TÀU BIỂN VIỆT NAM

Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 12/20177NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên năm 1978 sửa đổi năm 2010 mà Việt Nam là thành viên;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu bin Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài chỉ áp dụng khi có những quy định cụ thể trong Thông tư này.

Chương II

CHỨC DANH VÀ NHIỆM VỤ THEO CHỨC DANH

Mục 1. CHỨC DANH THUYÊN VIÊN

Điều 3. Chức danh thuyền viên

1. Chức danh của thuyền viên trên tàu biển Việt Nam bao gồm: thuyền trưởng, đại phó, máy trưởng, máy hai, sỹ quan boong (phó hai, phó ba), sỹ quan máy (máy ba, máy tư), thuyền phó hành khách, sỹ quan thông tin vô tuyến, sỹ quan kỹ thuật điện, sỹ quan an ninh tàu biển, sỹ quan máy lạnh, thủy thủ trưởng, thủy thủ phó, thủy thủ trực ca (AB, OS), thợ máy chính, thợ máy trực ca (AB, Oiler), thợ kỹ thuật điện, nhân viên thông tin vô tuyến, quản trị, bác sỹ hoặc nhân viên y tế, bếp trưởng, cấp dưỡng, nhân viên phục vụ, thợ máy lạnh, thợ bơm.

Tùy thuộc vào loại tàu, đặc tính kỹ thuật và mục đích sử dụng, chủ tàu bố trí các chức danh phù hợp với định biên của tàu.

2. Đối với các chức danh không quy định cụ thể tại khoản 1 Điều này, thì chủ tàu căn cứ vào điều kiện kỹ thuật và mục đích sử dụng của tàu để bố trí các chức danh và quy định nhiệm vụ theo chức danh đó.

Mục 2. NHIỆM VỤ THEO CHỨC DANH

Điều 4. Nhiệm vụ của thuyền trưởng

Thuyền trưởng là người có quyền chỉ huy cao nhất ở trên tàu. Thuyền trưởng có nhiệm vụ sau đây:

1. Nhiệm vụ của thuyền trưởng khi giao, nhận tàu:

a) Việc bàn giao tàu phải được tiến hành trực tiếp giữa thuyền trưởng nhận tàu và thuyền trưởng giao tàu;

b) Khi giao, nhận tàu phải bàn giao tình trạng chung của tàu, lượng nhiên liệu, nước ngọt, vật tư, trang thiết bị, tài sản, toàn bộ các hồ sơ, tài liệu, tiền mặt có liên quan đến tàu và phải lập bản thống kê từng hạng mục;

c) Thuyền trưởng nhận tàu yêu cầu thuyền trưởng giao tàu cho biết về cấu trúc đặc biệt, tính năng kỹ thuật, khả năng khai thác và kế hoạch tiếp tục hoàn thành. Thuyền trưởng giao tàu yêu cầu các sỹ quan phụ trách từng bộ phận báo cáo bằng văn bản về tình hình mọi mặt của bộ phận mình và bản kê tài sản của tàu. Thuyền trưởng nhận tàu cùng với đại phó, máy trưởng và máy hai tiến hành kiểm tra, tìm hiểu tình trạng thực tế của tàu;

d) Thời gian bắt đầu và kết thúc việc bàn giao phải được ghi vào biên bản, hai bên cùng ký tên và phải ghi vào nhật ký hàng hải. Biên bản bàn giao tàu phải được lập thành 04 bản: 01 bản gửi cho chủ tàu, 01 bản lưu lại tàu và 02 bản cho bên giao và bên nhận;

[...]