08:00 - 14/11/2024

Nhà thầu vi phạm quy định trong lĩnh vực khảo sát xây dựng để sập cầu qua sông thì chịu trách nhiệm hình sự thế nào?

Sập cầu qua sông thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Nhà thầu vi phạm quy định trong lĩnh vực khảo sát xây dựng để sập cầu qua sông thì chịu trách nhiệm hình sự ra sao?

Nội dung chính

    Cầu qua sông có phải công trình xây dựng hay không?

    Căn cứ tại khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 giải thích về công trình xây dựng như sau:

    "Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước"

    Đồng thời căn cứ theo Mục 2. Thông tư 06/2021/TT-BXD thì cầu đường bộ trong công trình giao thông chia làm 5 cấp, từ cấp đặc biệt đến cấp IV.

    Như vậy, từ các quy định trên thì có thể xác định cầu qua sông là một công trình xây dựng thuộc nhóm công trình giao thông. 

    Nhà thầu vi phạm quy định về xây dựng để sập cầu qua sông thì chịu trách nhiệm hình sự thế nào?

    Nhà thầu vi phạm quy định về xây dựng để sập cầu qua sông thì chịu trách nhiệm hình sự thế nào? (Hình từ Internet)

    Nhà thầu bị truy cứu TNHS về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng do làm sập cầu qua sông thì đi mấy năm tù?

    Tùy vào tình tiết vụ việc mà nhà thầu bị truy cứu TNHS về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng do làm sập cầu qua sông sẽ bị phạt tù theo khung hình phạt tương ứng tại Điều 298 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 100 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Cụ thể

    (1) Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự 2015 và Điều 281 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    - Làm chết người;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    - Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

    - Làm chết 02 người;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

    - Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

    (3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    - Làm chết 03 người trở lên;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

    - Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

    Lưu ý: Ngoài mức truy cứu trách nhiệm hình sự trên thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Khi xảy ra sự cố trong quá trình xây dựng cầu qua sông, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo sự cố cho cơ quan nào?

    Căn cứ tại Điều 44 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định về việc báo cáo sự cố công trình xây dựng như sau:

    (1) Ngay khi cầu qua sông xảy ra sự cố bằng biện pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố và cơ quan cấp trên của mình (nếu có) về sự cố bao gồm thông tin về tên và vị trí xây dựng công trình, sơ bộ về sự cố và thiệt hại (nếu có). Ngay sau khi nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân cấp xã phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sự cố.

    (2) Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố. Đối với tất cả các sự cố có thiệt hại về người thì chủ đầu tư gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Nội dung báo cáo gồm:

    - Tên công trình, vị trí xây dựng, quy mô công trình;

    - Tên các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình;

    - Mô tả về sự cố, tình trạng công trình xây dựng khi xảy ra sự cố, thời điểm xảy ra sự cố;

    - Thiệt hại về người và tài sản (nếu có).

    (3) Đối với các sự cố công trình đi qua địa bàn 02 tỉnh trở lên, sau khi nhận được báo cáo bằng văn bản hoặc nhận được thông tin về sự cố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm gửi báo cáo sự cố cho Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.

    (4)  Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan cung cấp thông tin về sự cố.

    (5) Trường hợp sự cố công trình xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện theo (1), (2), (3).

    289
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ