10:56 - 14/11/2024

Nguyên tắc chung về điều tra, khảo sát địa chất biển

Nguyên tắc chung về điều tra, khảo sát địa chất biển là gì?

Nội dung chính

    Tôi hiện đang tìm hiểu về điều tra, khảo sát tài nguyên, môi trường biển độ sâu từ 20m nước trở lên. Liên quan tới vấn đề này tôi có thắc mắc mong được Ban tư vấn giải đáp giúp. Cụ thể cho tôi hỏi nguyên tắc chung về điều tra, khảo sát địa chất biển được quy định như thế nào?

    Nguyên tắc chung về điều tra, khảo sát địa chất biển

    Nguyên tắc chung về điều tra, khảo sát địa chất biển được quy định tại Điều 41 Quy định về kỹ thuật điều tra, khảo sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển độ sâu từ 20m nước trở lên bằng tàu biển ban hành kèm theo Thông tư 57/2017/TT-BTNMT, cụ thể: 

    1. Điều tra, khảo sát địa chất biển trong phạm vi Quy định này là việc thực hiện lấy và gia công các loại mẫu, đo nhanh các thông số phục vụ đánh giá tài nguyên biển.

    2. Công tác lấy mẫu địa chất biển được thực hiện bằng các thiết bị: cuốc đại dương, cuốc thủy lực điều khiển từ xa, thiết bị lấy mẫu nguyên dạng (box core), ống phóng trọng lực, ống phóng piston, ống phóng rung, thiết bị cào lấy mẫu.

    3. Gia công lấy các loại mẫu: phân tích khí trong trầm tích; khí, ion trong nước lỗ hổng và nước sát đáy.

    4. Các số liệu đo nhanh thực hiện trên tàu: đo nhanh hàm lượng kim loại trong trầm tích bằng thiết bị XRF cầm tay; xác định nhiệt độ cột mẫu trầm tích bằng máy ảnh nhiệt.

    5. Các yêu cầu kỹ thuật của công tác lấy và gia công mẫu địa chất biển tại thực địa như sau:

    a) Lấy mẫu bằng cuốc đại dương: sử dụng ở vùng biển có độ sâu từ 20 đến 300m nước tại 100% số trạm khảo sát được thiết kế;

    b) Lấy mẫu bằng cuốc thủy lực điều khiển từ xa tại các vị trí cần lấy mẫu có khối lượng lớn để đánh giá triển vọng khoáng sản hoặc sử dụng để điều tra chi tiết tại các khu vực đã được xác định có triển vọng khoáng sản; vị trí các trạm lấy mẫu bằng cuốc thủy lực điều khiển từ xa do đội trưởng đội khảo sát quyết định;

    c) Lấy mẫu bằng thiết bị lấy mẫu nguyên dạng (boxcore): sử dụng theo yêu cầu của từng dự án, nhiệm vụ cụ thể. Các yêu cầu kỹ thuật của việc lấy mẫu bằng box core tuân thủ theo Quy định kỹ thuật cho 11 công tác điều tra địa chất khoáng sản biển và hải đảo được ban hành theo Thông tư số 25/2010/TT-BTNMT ngày 27 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt là Thông tư số 25/2010/TT-BTNMT);

    d) Lấy mẫu bằng ống phóng rung: sử dụng theo yêu cầu của từng dự án, nhiệm vụ cụ thể. Các yêu cầu kỹ thuật của việc lấy mẫu bằng ống phóng rung tuân thủ theo Quy định kỹ thuật cho 11 công tác điều tra địa chất khoáng sản biển và hải đảo được ban hành theo Thông tư số 25/2010/TT-BTNMT ;

    đ) Lấy mẫu bằng ống phóng trọng lực hoặc ống phóng piston: sử dụng tại 100% số trạm khảo sát được thiết kế tương ứng với tỷ lệ điều tra. Tại một vị trí lấy mẫu, ưu tiên sử dụng ống phóng trọng lực trước để lấy mẫu; nếu việc lấy mẫu bằng ống phóng trọng lực không đảm bảo yêu cầu, tiếp tục thả ống phóng piston để lấy mẫu. Đối với các trạm khảo sát có sử dụng cuốc đại dương hoặc boxcore để lấy mẫu trầm tích tầng mặt, nếu mẫu lấy được có hợp phần hạt cát chiếm ưu thế thì sử dụng ống phóng piston để lấy mẫu;

    e) Lấy mẫu bằng thiết bị cào lấy mẫu: tại các khu vực đáy biển có nền cứng (đá gốc lộ, san hô);

    g) Gia công lấy mẫu nước lỗ hổng: sử dụng thiết bị ép nước lỗ hổng, chiết xuất nước lỗ hổng từ cột mẫu trầm tích; sử dụng trong các dự án, nhiệm vụ có điều tra đối tượng tài nguyên là khí hydrate;

    h) Gia công lấy mẫu khí trong trầm tích: sử dụng phương pháp mũ khí để chiết xuất và bảo quản khí trong trầm tích; sử dụng trong các dự án, nhiệm vụ có điều tra đối tượng tài nguyên là khí hydrate.

    6. Mẫu được chia, bảo quản trên tàu khảo sát và phân tích tại phòng thí nghiệm. Các loại mẫu cần thu thập gồm: xác định thành phần cấp hạt, khoáng vật (định lượng khoáng vật toàn diện, trọng sa, định lượng khoáng vật sét) hóa và hóa lý (quang phổ plasma, định lượng Zr, silicat toàn diện, xác định các hóa thạch (vi cổ sinh, diatome, nanoplankton, bào tử phấn hoa...).

    7. Đo nhanh các thông số trên tàu:

    a) Xác định hàm lượng kim loại trong trầm tích bằng thiết bị XRF cầm tay;

    b) Xác định nhiệt độ cột mẫu: sử dụng máy ảnh nhiệt xác định phổ nhiệt độ của cột mẫu trầm tích; sử dụng trong các dự án, nhiệm vụ có điều tra đối tượng tài nguyên là khí hydrate.

    Trên đây là tư vấn về nguyên tắc chung về điều tra, khảo sát địa chất biển. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 57/2017/TT-BTNMT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

    Chúc sức khỏe và thành công! 

    3